Địa bàn chuyển từ vùng II lên vùng I áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo tháng cao nhất hiện nay đúng không?
- Các địa bàn nào được chuyển từ vùng II lên vùng I? Các địa bàn này có được áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao nhất hiện nay?
- Nhà nước thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dựa trên quan hệ cung cầu lao động hay không?
- Hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi đơn vị hành chính thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước hay sau khi thay đổi tên gọi?
Các địa bàn nào được chuyển từ vùng II lên vùng I? Các địa bàn này có được áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao nhất hiện nay?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng II | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng IV | 3.450.000 | 16.600 |
Theo đó, danh mục địa bàn được áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao nhất là Vùng I với mức lương tối thiểu vùng: 4.960.000 đồng/tháng và 23.800 đồng/giờ.
Căn cứ theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP thì Vùng I, gồm các địa bàn:
- Các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội;
- Các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái và các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh;
- Các quận và các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải, Kiến Thụy thuộc thành phố Hải Phòng;
- Thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương;
- Các quận, thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc Thành phố Hồ Chí Minh;
- Các thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai;
- Các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương;
- Thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An.
Mặt khác, theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP (hết hiệu lực) có quy định vùng I gồm các địa bàn:
- Các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội;
- Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh;
- Các quận và các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải, Kiến Thụy thuộc thành phố Hải Phòng;
- Các quận, thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc thành phố Hồ Chí Minh;
- Các thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai;
- Các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An; các thị xã Bến Cát, Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương;
- Thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, so với trước đây đã có sự thay đổi khi có sự điều chỉnh một số địa bàn đang hưởng mức tối thiểu vùng thấp sang mức tối thiểu vùng cao hơn.
Các địa bàn được chuyển từ vùng II lên vùng I bao gồm:
- Tỉnh Quảng Ninh: Thành phố Uông Bí, Móng Cái và các thị xã Quảng Yên, Đông Triều
- Tỉnh Hải Dương: Thành phố Hải Dương
- Tỉnh Đồng Nai: Huyện Thống Nhất
- Tỉnh Long An: Thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc.
Như vậy, người lao động hiện đang làm việc tại các địa phương này sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo tháng từ 4.160.000 đồng/tháng tăng lên 4.960.000 đồng/tháng, tức tăng 800.000 đồng/tháng là mức lương tối thiểu vùng theo tháng cao nhất hiện nay.
Địa bàn chuyển từ vùng II lên vùng I áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo tháng cao nhất hiện nay đúng không? (Hình từ Internet).
Nhà nước thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dựa trên quan hệ cung cầu lao động hay không?
Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định về mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dựa vào các tiêu chí nêu trên. Trong đó, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh dựa trên quan hệ cung cầu lao động.
Hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi đơn vị hành chính thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước hay sau khi thay đổi tên gọi?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động được thực hiện như sau:
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 11 tháng 1 là ngày gì? Ngày 11 tháng 1 âm lịch bao nhiêu, thứ mấy? Ngày 11 tháng 1 cung gì? Có được nghỉ làm vào ngày này?
- HMPV là gì? HMPV có phải là căn nguyên virus gây viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn không?
- Lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 phạt bao nhiêu tiền? Sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 trừ bao nhiêu điểm?
- Toàn bộ chế độ nghỉ hưu trước tuổi năm 2025 có gì đáng chú ý? Tải Nghị định 178 nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy?
- Có được miễn trừ khai báo hóa chất đối với hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ hay không?