Dịch vụ viễn thông cơ bản là gì? Dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm những dịch vụ nào theo quy định?
Dịch vụ viễn thông cơ bản là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Viễn thông 2023 như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
4. Thiết bị đầu cuối là thiết bị viễn thông cố định hoặc di động được đấu nối vào điểm kết cuối của mạng viễn thông để gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin.
5. Thiết bị mạng là thiết bị viễn thông được lắp đặt trên mạng viễn thông để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông.
6. Hàng hóa viễn thông là vật tư, thiết bị viễn thông có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường.
7. Dịch vụ viễn thông bao gồm dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng:
a) Dịch vụ viễn thông cơ bản là dịch vụ gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai người hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, giữa các thiết bị đầu cuối qua mạng viễn thông;
b) Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng là dịch vụ cung cấp thêm tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng thông qua việc gửi, truyền, nhận thông tin trên mạng viễn thông.
8. Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai người hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet.
9. Dịch vụ trung tâm dữ liệu là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng qua mạng viễn thông bằng việc cho thuê một phần hoặc toàn bộ trung tâm dữ liệu.
...
Như vậy, dịch vụ viễn thông cơ bản là dịch vụ gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai người hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, giữa các thiết bị đầu cuối qua mạng viễn thông.
Dịch vụ viễn thông cơ bản là gì? Dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm những dịch vụ nào theo quy định? (Hình từ Internet)
Dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm những dịch vụ nào?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 5 Nghị định 163/2024/NĐ-CP quy định dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm các dịch vụ sau đây:
- Dịch vụ thoại;
- Dịch vụ nhắn tin;
- Dịch vụ fax;
- Dịch vụ hội nghị truyền hình;
- Dịch vụ kênh thuê riêng;
- Dịch vụ truyền số liệu;
- Dịch vụ truyền dẫn cho phát thanh, truyền hình;
- Dịch vụ truyền dẫn cho kết nối máy tới máy;
- Dịch vụ mạng riêng ảo;
- Dịch vụ kết nối Internet;
- Dịch vụ cho thuê toàn bộ hoặc một phần mạng viễn thông;
- Dịch vụ viễn thông cộng thêm của dịch vụ viễn thông cơ bản là dịch vụ tăng thêm tính năng, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, là một phần không tách rời và được cung cấp cùng với các dịch vụ viễn thông cơ bản;
- Các dịch vụ viễn thông cơ bản khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Doanh nghiệp viễn thông thay đổi tên có phải thực hiện lại thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông không?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 44 Nghị định 163/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông
...
4. Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông
Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 26 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho doanh nghiệp trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông và thực hiện công khai thông tin về các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành việc đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông trên trang thông tin điện tử của Cục Viễn thông.
5. Doanh nghiệp viễn thông phải thực hiện lại thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông trong các trường hợp sau:
a) Thay đổi tên doanh nghiệp;
b) Thay đổi các thông tin về hạ tầng trung tâm dữ liệu do doanh nghiệp tự thiết lập hoặc đi thuê so với thông tin đã kê khai trong đơn đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp viễn thông thay đổi tên thì phải thực hiện lại thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông.
Lưu ý: Cũng theo quy định tại Điều 44 Nghị định 163/2024/NĐ-CP quy định điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông bao gồm:
- Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Có phương án kỹ thuật phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 Đối tượng được giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ theo quy định mới?
- Dịch vụ quản trị quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm những hoạt động nào? Tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán thuộc sở hữu của ai?
- Mức lương cơ bản của công nhân hiện nay không được thấp hơn bao nhiêu tiền 1 tháng theo quy định?
- Mẫu Giấy hẹn trả giấy chứng nhận kiểm định mới nhất là mẫu nào? Tải về Giấy hẹn trả giấy chứng nhận kiểm định theo Thông tư 47?
- Thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh là ai? Thành viên sáng lập là tổ chức tín dụng nước ngoài phải đáp ứng điều kiện gì?