Điểm xét học bạ để xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non được tính như thế nào? Việc xét tuyển phải đảm bảo nguyên tắc gì?
Điểm xét học bạ để xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non được tính như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định thì:
Xét tuyển là một quy trình xử lý riêng tại các cơ sở đào tạo (hoặc xử lý chung theo nhóm cơ sở đào tạo) để xác định điều kiện trúng tuyển và lập danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào một chương trình đào tạo, ngành đào tạo, căn cứ các tiêu chí xét tuyển do cơ sở đào tạo xác định.
Theo đó, có thể hiểu xét học bạ (hay còn gọi là xét tuyển học bạ) là một phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm Trung học phổ thông hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển.
Tuy nhiên, Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT lại không có quy định cụ thể về cách tính điểm xét học bạ để xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non.
Trên thực tế thì điểm xét học bạ sẽ do từng cơ sở đào tạo quy định cụ thể trong quy chế tuyển sinh của đơn vị.
Dưới đây là một số cách tính điểm xét học bạ phổ biến của các trường, các cơ sở hiện nay:
(1) Tính điểm xét học bạ của 5 học kỳ: bao gồm hai học kỳ lớp 10, hai học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12.
Điểm xét tuyển = (ĐTBM học kỳ I lớp 10 + ĐTBM học kỳ II lớp 10 + ĐTBM học kỳ I lớp 11 + ĐTBM học kỳ II lớp 11 + ĐTBM học kỳ I lớp 12) / 5
Hình thức xét tuyển học bạ này thường dành cho thí sinh xét học bạ sớm, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.
(2) Tính điểm xét học bạ của 6 học kỳ: bao gồm cả 6 học kỳ từ lớp 10 đến lớp 12.
Điểm xét tuyển = (ĐTBM học kỳ I lớp 10 + ĐTBM học kỳ II lớp 10 + ĐTBM học kỳ I lớp 11 + ĐTBM học kỳ II lớp 11 + ĐTBM học kỳ I lớp 12 + ĐTBM học kỳ II lớp 12) / 6
(3) Tính điểm trung bình của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển: Hình thức xét tuyển này sẽ có 2 cách tính:
- Tính tổng điểm trung bình 3 môn trong cả năm lớp 12:
Điểm xét tuyển = (Điểm tổng kết môn 1 + Điểm tổng kết môn 2 + Điểm tổng kết môn 3) / 3.
- Tính tổng điểm trung bình 3 môn của 2 học kỳ lớp 12:
Điểm xét tuyển = (Điểm học kỳ I môn 1 + Điểm học kỳ II môn 1)/2 + (Điểm học kỳ I môn 2 + Điểm học kỳ II môn 2)/2 + (Điểm học kỳ I môn 3 + Điểm học kỳ II môn 3)/2.
Điểm xét học bạ để xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non được tính như thế nào? (Hình từ Internet)
Cơ sở đào tạo phải quy định các tiêu chí đánh giá, xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non dựa trên tiêu chí nào?
Tiêu chí đánh giá, xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non được quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT như sau:
Phương thức tuyển sinh
1. Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
2. Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
...
Như vậy, theo quy định, cơ sở đào tạo phải quy định các tiêu chí đánh giá, xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Việc xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non phải đảm bảo nguyên tắc gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 20 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định thì việc xét tuyển đại học vào ngành Giáo dục Mầm non phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
(1) Điểm trúng tuyển được xác định để số lượng tuyển được theo từng ngành, chương trình đào tạo phù hợp với số lượng chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đầu vào;
(2) Đối với một ngành đào tạo (hoặc một chương trình đào tạo) theo một phương thức và tổ hợp môn, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm xét không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.
Trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét ở cuối danh sách, cơ sở đào tạo có thể sử dụng tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng (để xét chọn những thí sinh có thứ tự nguyện vọng cao hơn);
(3) Việc sử dụng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng để xét tuyển đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định về điểm ưu tiên được quy định tại Điều 7 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thành phần hồ sơ trong dịch vụ thông tin tín dụng là bản sao không có chứng thực thì công ty tín dụng có trách nhiệm gì?
- Soft OTP là gì? Soft OTP có mấy loại? Soft OTP phải đáp ứng yêu cầu gì theo Thông tư 50 2024?
- Bài phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tại ngày kỷ niệm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam hay, ý nghĩa?
- Mẫu biên bản họp tổng kết Chi bộ cuối năm mới nhất? Tải về mẫu biên bản họp tổng kết Chi bộ cuối năm ở đâu?
- Danh sách 5 bộ được đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động theo phương án tinh gọn bộ máy mới nhất?