Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cần thực hiện những gì? Trường hợp vi phạm quy định về cấp Giấy chứng nhận bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?
- Cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định kinh doanh sản xuất đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm?
- Thẩm định nội dung về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm gồm những loại nào?
- Có những hình thức xếp loại nào đối với cơ sở về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm?
- Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cần thực hiện những gì?
- Vi phạm quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định kinh doanh sản xuất đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm?
Quy định về chứng nhận an toàn thực phẩm đối với trường hợp của chị phải tuân thủ quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT quy định về thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể:
Theo Điều 5 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT quy định về cơ quan thẩm định như sau:
- Cơ quan thẩm định cấp trung ương: Là các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cơ quan thẩm định cấp địa phương: Do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dựa trên phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình thực tiễn của địa phương và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thẩm định nội dung về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm gồm những loại nào?
Theo Điều 6 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT quy định về các hình thức thẩm định như sau:
- Thẩm định để xếp loại: Là hình thức thẩm định có thông báo trước, nhằm thẩm định đầy đủ các nội dung về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này; được áp dụng đối với:
+ Cơ sở được thẩm định lần đầu;
+ Cơ sở đã được thẩm định đạt yêu cầu nhưng sửa chữa, mở rộng sản xuất;
+ Cơ sở đã được thẩm định không đạt yêu cầu nhưng sau đó đã khắc phục xong sai lỗi;
+ Cơ sở đã được thẩm định đạt yêu cầu nhưng hoãn thẩm định đánh giá định kỳ có thời hạn quá 06 tháng;
+ Cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng bị thu hồi hoặc thay đổi chủ sở hữu và có thay đổi điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm so với ban đầu.
- Thẩm định đánh giá định kỳ: Là hình thức thẩm định không thông báo trước, được áp dụng đối với các cơ sở đã được xếp loại đạt yêu cầu nhằm giám sát việc duy trì điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Có những hình thức xếp loại nào đối với cơ sở về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm?
Các hình thức xếp loại được quy định theo Điều 8 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT bao gồm:
(1) Loại A (tốt): Áp dụng đối với cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
(2) Loại B (đạt): Áp dụng đối với các cơ sở cơ bản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; vẫn còn một số sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thực phẩm.
(3) Loại C (không đạt): Áp dụng đối với các cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
* Tiêu chí xếp loại cụ thể cho từng loại hình cơ sở được nêu tại tài liệu hướng dẫn thẩm định, xếp loại và hoàn thiện biên bản thẩm định quy định tại Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm
Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cần thực hiện những gì?
Theo Điều 17 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (sau đây gọi là Giấy chứng nhận ATTP) như sau:
"1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP: Là các cơ quan thẩm định quy định tại Điều 5 Thông tư này theo nguyên tắc cơ quan nào thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thì cơ quan đó cấp Giấy chứng nhận ATTP.
2. Giấy chứng nhận ATTP có hiệu lực trong thời gian 03 năm. Mẫu Giấy chứng nhận ATTP quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP bao gồm
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản thuyết minh về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận ATTP
a) Cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP quy định tại khoản 1 Điều 17 của Thông tư này. Hồ sơ có thể được nộp theo một trong các hình thức sau: trực tiếp, gửi qua Fax, E-mail, mạng điện tử (sau đó gửi hồ sơ bản chính); gửi theo đường bưu điện;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP của cơ sở, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP phải xem xét tính đầy đủ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không đầy đủ;
c) Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP thực hiện thẩm tra hồ sơ thẩm định, xếp loại cơ sở và cấp Giấy chứng nhận ATTP trong 07 ngày làm việc (nếu cơ sở đã được thẩm định và xếp loại A hoặc B); hoặc tổ chức đi thẩm định thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở và cấp Giấy chứng nhận ATTP nếu đủ điều kiện trong thời hạn 15 ngày làm việc (trường hợp cơ sở chưa được thẩm định, xếp loại). Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận ATTP thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
..."
Vi phạm quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:
"1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (sau đây gọi tắt là GMP) hoặc có Giấy chứng nhận GMP nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 mà không thực hiện bổ sung Giấy chứng nhận GMP hoặc chứng nhận tương đương trước khi sản xuất.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;
b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này."
Như vậy, nếu có hành vi vi phạm quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị xử phạt cao nhất là 60 triệu đồng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc thu hồi thực phẩm; Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?