Điều kiện để xin Giấy phép xuất khẩu lao động là gì? Hồ sơ xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động theo quy định mới nhất hiện nay bao gồm những gì?
Hiện nay, nhu cầu ra nước ngoài lao động ngày càng tăng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động để đáp ứng nhu cầu đó. Doanh nghiệp muốn hoạt động ngành nghề này phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (hay chúng ta thường gọi là Giấy phép xuất khẩu lao động) tại Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Vậy hồ sơ, trình tự, thủ tục mới nhất để xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động như thế nào?
Điều kiện để xin Giấy phép xuất khẩu lao động là gì?
Theo Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư;
- Đã ký quỹ theo quy định tại Điều 24 của Luật này;
- Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
- Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Luật này;
- Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Có trang thông tin điện tử.
Tải về mẫu đề nghị thành lập công ty xuất khẩu lao động mới nhất 2023: Tại Đây
Hồ sơ xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động gồm những gì?
Hồ sơ, thủ tục cần thiết để xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động là gì?
Theo khoản 1 Điều 12 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu lao động bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
Theo khoản 2 Điều 12 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và cấp Giấy phép cho doanh nghiệp; trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, để xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ và thực thiện theo thủ tục quy định như trên.
Có cần niêm yết Giấy phép xuất khẩu lao động không? Nếu không niêm yết thì có bị xử phạt gì không?
Căn cứ theo Điều 15 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định:
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đăng tải Giấy phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ đặt trụ sở chính.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh thông tin, doanh nghiệp dịch vụ phải niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính và đăng tải Giấy phép trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Theo điểm a khoản 1 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt nếu doanh nghiệp không niêm yết công khai Giấy phép xuất khẩu lao động như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Không niêm yết công khai bản sao Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của doanh nghiệp dịch vụ tại trụ sở chính hoặc không đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh thông tin.”
Như vậy, trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp phải niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính và đăng tải Giấy phép trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không niêm yết công khai theo quy định, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?