Dịp lễ 30/4 và 1/5 nghỉ 5 ngày liên tục, người lao động được nghỉ có hưởng lương bao nhiêu ngày?
Lễ 30/4 và 1/5 nghỉ 5 ngày, người lao động được nghỉ có hưởng lương bao nhiêu ngày?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 về nghỉ lễ, tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
...
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
...
Theo đó, vào ngày 30/4 (Ngày Chiến thắng hay Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước) và ngày 1/5 (Ngày Quốc tế lao động) hằng năm, người lao động sẽ được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương 02 ngày liên tiếp.
Trường hợp công ty cho người lao động nghỉ lễ 5 ngày liên tục từ thứ 7 đến hết thứ 4 thì thời gian nghỉ bao gồm các ngày sau đây:
- 2 ngày nghỉ hằng tuần (thứ 7, chủ nhật)
Tùy từng công ty mà ngày nghỉ hằng tuần của người lao động có thể là 1 ngày hoặc 2 ngày và thường rơi vào thứ 7 và chủ nhật nhưng phải đảm bảo mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục và các quy định về nghỉ hằng tuần khác theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
- 1 ngày thứ 2
Đây không phải là ngày nghỉ lễ theo quy định của pháp luật, người lao động được tạo điều kiện nghỉ ngày thứ 2 để có kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 liên tục 5 ngày.
- 2 ngày nghỉ lễ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 (thứ 3, thứ 4)
Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương vào ngày nghỉ hàng tuần (thường là thứ 7, chủ nhật) và 2 ngày nghỉ lễ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 (thứ 3, thứ 4).
Riêng đối với ngày thứ 2, người lao động có nghỉ hưởng lương vào ngày này hay không tùy thuộc vào sự thỏa thuận với công ty. Một số trường hợp có thể phát sinh khi nghỉ ngày thứ 2 như sau:
- Công ty tạo điều kiện cho người lao động nghỉ làm việc hưởng nguyên lương vào ngày này;
Tuy đây không phải là ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định nhưng Nhà nước luôn khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
- Công ty cho người lao động làm bù vào một ngày khác để kỳ nghỉ lễ được kéo dài 5 ngày;
Việc đi làm bù vào ngày nào sẽ do sự thỏa thuận giữa người lao động và công ty, có thể đi làm bù vào ngày nghỉ hằng tuần (thường là ngày thứ 7, chủ nhật) nhưng phải đảm bảo một tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục và các quy định về nghỉ hằng tuần khác theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
Trường hợp người lao động đi làm vào ngày nghỉ hằng tuần sẽ được tính là thêm giờ và được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm, ít nhất bằng 200%.
Tuy nhiên, trường hợp đi làm vào ngày cuối tuần là để hoán đổi cho ngày nghỉ lễ thì tiền lương người lao động được nhận có thể áp dụng đối mức tiền lương của ngày làm việc bình thường.
- Người lao động và công ty thỏa thuận nghỉ làm việc không hưởng lương hoặc dùng ngày phép năm (nếu có) để được nghỉ lễ 5 ngày liên tục;....
Dịp lễ 30/4 và 1/5 nghỉ 5 ngày liên tục, người lao động được nghỉ có hưởng lương bao nhiêu ngày? (Hình từ Internet)
Đi làm vào ngày lễ 30/4 và 1/5, người lao động được nhận thêm 300% lương đúng không?
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luât Lao động 2019 cũng nêu rõ người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ được trả lương (tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm) ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Đối với người lao động làm thêm giờ vào ban đêm theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luât Lao động 2019 thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
>>> Cách tính tiền lương khi đi làm vào ngày lễ 30/4 và 1/5 chi tiết
Tiền lương đi làm ngày lễ 30/4 và 1/5 có đóng thuế TNCN hay không?
Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 được miễn thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể như sau:
* Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân là:
60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ
* Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp là mẫu nào? Có phải chứng thực hợp đồng không?
- Biện pháp kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi truyền thống nhập khẩu? Nội dung kiểm tra gồm những gì?
- Diện tích tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất được xác định như thế nào?
- Kịch bản tổng kết chi hội phụ nữ cuối năm 2024 ngắn gọn? Tổng kết công tác Hội phụ nữ năm 2024 ngắn gọn?
- Cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không được sử dụng thông tin nào trên môi trường mạng?