Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập khi nào? Trình tự, thủ tục kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như thế nào?
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập khi nào?
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai, họp từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 3 năm 1931 tại nhà số 236, đường Richaud, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên, ra quyết định “Cần kịp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn” và chỉ thị cho tổ chức Đảng ở các địa phương phải quan tâm đến việc xây dựng Đoàn thanh niên.
Tại hội nghị này, Đoàn thanh niên Công sản Đông Dương đã được thành lập.
Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:
Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Đông Dương
Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh
Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Theo đó, ngày 26 tháng 3 hằng năm là kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nêu rõ "Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam; là lực lượng xung kích cách mạng; là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên; đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam."
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập khi nào? Trình tự, thủ tục kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, việc kết nạp thanh niên vào Đoàn được tiến hành theo các bước và thủ tục sau:
- Thanh niên vào Đoàn tự nguyện viết đơn, báo cáo lý lịch và được một trong các tập thể, cá nhân sau đây giới thiệu và bảo đảm:
+ Một đoàn viên cùng công tác, sinh hoạt ít nhất ba tháng.
+ Tập thể Chi hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu là hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam).
+ Ban Chấp hành Chi hội Sinh viên Việt Nam (nếu là hội viên Hội Sinh viên Việt Nam).
+ Tập thể chi đội (nếu là đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh).
- Được hội nghị chi đoàn xét đồng ý kết nạp với sự biểu quyết tán thành của trên một phần hai (1/2) tổng số đoàn viên có mặt tại hội nghị và được Đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định kết nạp. Trường hợp xét kết nạp nhiều người thì phải xét và quyết định kết nạp từng người một.
- Ở nơi chưa có tổ chức Đoàn và đoàn viên, hoặc chưa có tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam thì Đoàn cấp trên cử cán bộ, đoàn viên về làm công tác phát triển đoàn viên, hoặc do một đảng viên cùng công tác, sinh hoạt ít nhất ba tháng ở nơi đó giới thiệu và bảo đảm; Ban Chấp hành Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định kết nạp.
Và khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng nêu rõ thanh niên Việt Nam tuổi từ 16 đến 30, tích cực học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc, được tìm hiểu về Đoàn và tán thành Điều lệ Đoàn, tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đoàn, có lý lịch rõ ràng đều được xét kết nạp vào Đoàn.
Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có những nhiệm vụ và quyền hạn nào?
Nhiệm vụ của đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được quy định tại Điều 2 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như sau:
- Luôn luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Gương mẫu chấp hành và vận động thanh thiếu nhi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Chấp hành Điều lệ Đoàn và các nghị quyết của Đoàn; tích cực tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên; sinh hoạt Đoàn và đóng đoàn phí đúng quy định.
- Liên hệ mật thiết với thanh niên, tích cực xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; giúp đỡ thanh niên và đội viên trở thành đoàn viên.
Đồng thời quyền hạn của đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được quy định tại Điều 3 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như sau:
- Yêu cầu tổ chức Đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, được giúp đỡ và tạo điều kiện để phấn đấu trưởng thành.
- Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn.
- Được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, biểu quyết, đề nghị và bảo lưu ý kiến của mình về công việc của tổ chức Đoàn; tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?