Doanh nghiệp mua bao bì nhựa từ nhà cung cấp trong nước có phải thực hiện trách nhiệm tái chế EPR hay không?
- Doanh nghiệp mua bao bì nhựa từ nhà cung cấp trong nước có phải thực hiện trách nhiệm tái chế EPR hay không?
- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng chất thải là bao bì nhựa khó phân hủy sinh học đúng không?
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có bắt buộc phải tự thực hiện kiểm toán môi trường hay không?
Doanh nghiệp mua bao bì nhựa từ nhà cung cấp trong nước có phải thực hiện trách nhiệm tái chế EPR hay không?
EPR (Extended Producer Responsibility – EPR) - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu là cách tiếp cận của chính sách Môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điều chỉnh căn bản về chính sách EPR và được quy định trong Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Cụ thể:
Điều 54. Trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức sau đây:
a) Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì;
b) Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hằng năm đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
4. Việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì;
b) Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết và lộ trình thực hiện Điều này.
Điều 55. Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này, trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.
3. Các hoạt động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phục vụ hoạt động xử lý chất thải bao gồm:
a) Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân;
b) Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
c) Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
4. Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như đã phân tích ở trên thì trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
Do đó, doanh nghiệp mua bao bì nhựa từ nhà cung cấp trong nước không phải thực hiện trách nhiệm tái chế EPR.
Doanh nghiệp mua bao bì nhựa từ nhà cung cấp trong nước có phải thực hiện trách nhiệm tái chế EPR hay không? (Hình từ Internet)
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng chất thải là bao bì nhựa khó phân hủy sinh học đúng không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương:
Theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường 2020:
(i) Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.
(ii) Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
(iii) Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định.
Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.
(iv) Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
(v) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có bắt buộc phải tự thực hiện kiểm toán môi trường hay không?
Căn cứ tại Điều 74 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về kiểm toán môi trường
Kiểm toán môi trường
1. Kiểm toán môi trường là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
2. Nội dung chính của kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm:
a) Việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
b) Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.
3. Khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện kiểm toán môi trường.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự kiểm toán môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Như vậy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được khuyến khích tự thực hiện kiểm toán môi trường mà không mang tính bắt buộc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?