Doanh nghiệp nhà nước có được mua đất để xây dựng trụ sở công ty không? Doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế đầu tư, góp vốn lĩnh vực gì?
Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức như thế nào?
Theo khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp nhà nước như sau:
Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật này.
Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức dưới hình thức nào và có cơ cấu tổ chức ra sao?
Doanh nghiệp nhà nước có thể được tổ chức dưới các hình thức quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo Điều 90 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước như sau:
"Điều 90. Cơ cấu tổ chức quản lý
Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong hai mô hình sau đây:
1. Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát;
2. Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát."
Doanh nghiệp nhà nước có được mua đất để xây dựng trụ sở của doanh nghiệp không?
Doanh nghiệp nhà nước có được mua đất để xây dựng trụ sở của doanh nghiệp không?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 91/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 2 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP) quy định:
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong đó bao gồm đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 28, Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
+ Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.
+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất giao hoặc thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có ngành nghề kinh doanh chính là ngành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, không hạn chế trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư.
+ Trường hợp doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định tại Điểm b Khoản này không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài theo các lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng không thực hiện cơ cấu lại các khoản đã đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Doanh nghiệp không được sử dụng tài sản do doanh nghiệp đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán đại lý, ký gửi để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
- Việc quản lý vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này.
Theo quy định trên, ta thấy doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế ở những hoạt động sau: Không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất giao hoặc thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có ngành nghề kinh doanh chính là ngành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu; không được sử dụng tài sản do doanh nghiệp đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán đại lý, ký gửi để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Và căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi."
Theo các quy định trên, doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản), việc doanh nghiệp của bạn muốn mua đất để xây dựng trụ sở của doanh nghiệp không phải là thực hiện kinh doanh bất động sản nhằm mục đích sinh lợi do đó không bị hạn chế theo các quy định trên.
Như vậy, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định. Doanh nghiệp nhà nước có thể được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế thực hiện ở một số hoạt động, trong đó bao gồm hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản (trừ trường hợp khác theo quy định của pháp luật). Việc doanh nghiệp nhà nước muốn mua đất để xây dựng trụ sở cho doanh nghiệp không thuộc hoạt động kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 do đó doanh nghiệp nhà nước không bị hạn chế thực hiện đối với hoạt động này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc thì xử phạt hành chính thế nào? Quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?
- Hướng dẫn vào thi https hocvalamtheobac mobiedu vn tuần 2 cuộc thi trực tuyến Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh?
- Trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Mức phạt để trẻ em ngồi ghế trước ô tô là bao nhiêu?
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?