Doanh nghiệp phải có bao nhiêu người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam? Không có người đại diện cư trú tại Việt Nam thì có bị phạt không?
- Doanh nghiệp phải có bao nhiêu người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam?
- Không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì doanh nghiệp có bị phạt không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam là bao lâu?
Doanh nghiệp phải có bao nhiêu người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam?
Số lượng người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam mà doanh nghiệp phải có được quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
...
3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
...
Theo quy định trên, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Và khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật (Hình từ Internet)
Không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì doanh nghiệp có bị phạt không?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam được quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 51 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam;
b) Không ủy quyền bằng văn bản cho người khác làm đại diện hoặc ủy quyền bằng văn bản đã hết hạn nhưng không gia hạn khi người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp xuất cảnh khỏi Việt Nam;
c) Người đại diện theo ủy quyền không đủ tiêu chuẩn theo quy định;
d) Ủy quyền vượt quá số lượng người được ủy quyền tối đa theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký người đang cư trú tại Việt Nam làm người đại diện của doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc ủy quyền cho người khác làm đại diện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thay đổi người đại diện đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Theo đó, doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Đồng thời doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc đăng ký người đang cư trú tại Việt Nam làm người đại diện của doanh nghiệp.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam là bao lâu?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm.
2. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 7; Điều 9; Điều 10; Điều 13; Điều 14; khoản 2 Điều 15; khoản 3 Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 20; Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 30; Điều 36; Điều 37; Điều 43; Điều 44; Điều 45; Điều 46; Điều 47; Điều 48; Điều 49; Điều 50; Điều 51; Điều 52; Điều 53; Điều 54; Điều 55; Điều 56; Điều 57; Điều 58; Điều 59; Điều 60; Điều 61; Điều 62; Điều 63; Điều 64; Điều 65; Điều 66; Điều 67; Điều 68, Điều 69; Điều 70; Điều 71 và Điều 72 của Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện.
Đối với hành vi vi phạm đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
3. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này (trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 12 và Điều 25) là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc.
Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Được ủy quyền lại hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai hay không theo quy định pháp luật?
- Nguyên tắc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư 74/2024 thế nào?
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?