Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế thì có được ưu tiên miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan không?
- Điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế được quy định thế nào?
- Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế thì có được ưu tiên miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan không?
- Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong việc thực hiện chế độ ưu tiên?
Điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 12 Thông tư 72/2015/TT-BTC quy định, điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế như sau:
Trong thời hạn 02 (hai) năm liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi sau:
(1) Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
(2) Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương đương;
(3) Đối với đại lý làm thủ tục hải quan, số tờ khai hải quan đại lý làm thủ tục đứng tên bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và chức danh tương đương không vượt quá tỷ lệ 0,5% tính trên tổng số tờ khai đã làm thủ tục hải quan.
(4) Không nợ thuế quá hạn theo quy định.
Điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế thì có được ưu tiên miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan không?
Căn cứ khoản 1 Điều 42 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên
1. Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục;
b) Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đạt mức quy định;
c) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan;
d) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng;
đ) Có hệ thống kiểm soát nội bộ;
e) Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
2. Doanh nghiệp ưu tiên thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Việt Nam được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ, chế độ ưu tiên, việc quản lý đối với doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Hải quan 2014 quy định:
Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp
1. Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
2. Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan.
3. Được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ có tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế thôi thì chưa đủ điều kiện để được ưu tiên miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan.
Để có thể được ưu tiên miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan thì doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
(1) Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục;
(2) Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đạt mức quy định;
(3) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan;
(4) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng;
(5) Có hệ thống kiểm soát nội bộ;
(6) Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Lưu ý: Việc miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan không được áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong việc thực hiện chế độ ưu tiên?
Trách nhiệm kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Hải quan 2014 như sau:
Trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ ưu tiên
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xét, công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ việc áp dụng chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp.
2. Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm:
a) Kiểm tra, giám sát, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp;
b) Hướng dẫn doanh nghiệp về chính sách, quy định của pháp luật về thuế và hải quan.
Như vậy, theo quy định, Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong việc thực hiện chế độ ưu tiên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?