Đối tượng thực hiện và tiếp nhận các chuyển giao công nghệ trong hoạt động khuyến nông là ai? Ngoài ngân sách Trung ương, kinh phí thực hiện được lấy từ đâu?
- Đối tượng thực hiện và nhận chuyển giao công nghệ khi thực hiện hoạt động khuyến nông là ai?
- Các hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được thực hiện thông qua hình thức nào?
- Ngoài ngân sách Trung ương, kinh phí thực hiện được lấy từ đâu?
- Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hoạt động khuyến nông dựa trên nguyên tắc nào?
Đối tượng thực hiện và nhận chuyển giao công nghệ khi thực hiện hoạt động khuyến nông là ai?
Chuyển giao công nghệ khi thực hiện hoạt động khuyến nông
(1) Đối tượng thực hiện chuyển giao công nghệ khi thực hiện hoạt động khuyến nông trong nông nghiệp: là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này (quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 83/2018/NĐ-CP)
Đối tượng chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 83/2018/NĐ-CP, bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống tổ chức khuyến nông Nhà nước chuyên trách do cấp có thẩm quyền thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp;
- Tổ chức, cá nhân khác bao gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước có tham gia hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.
(2) Đối tượng nhận chuyển giao công nghệ khi thực hiện hoạt động khuyến nông trong nông nghiệp: là các tổ chức, cá nhân tiếp nhận công nghệ chuyển giao quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định này (quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 83/2018/NĐ-CP)
Cụ thể bao gồm những đối tượng tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 83/2018/NĐ-CP:
- Nông dân, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã và các cá nhân khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
- Tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được thực hiện thông qua hình thức nào?
Hình thức hoạt động khuyến nông, hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 83/2018/NĐ-CP như sau:
(1) Hình thức hoạt động khuyến nông, hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp ở trung ương bao gồm:
a) Chương trình khuyến nông trung ương (từ 05 đến 10 năm);
b) Kế hoạch nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên (hàng năm);
c) Chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
(2) Hình thức hoạt động khuyến nông, hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp ở địa phương bao gồm:
a) Chương trình khuyến nông địa phương (từ 03 đến 05 năm);
b) Kế hoạch khuyến nông địa phương (hàng năm);
c) Chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.
(3) Các hình thức hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, pháp luật hiện hành quy định cụ thể những chương trình và kế hoạch thực hiện hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ theo từng phạm vi thực hiện tương ứng.
Ngoài ngân sách Trung ương, kinh phí thực hiện được lấy từ đâu?
Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động khuyến nông được quy định cụ thể tại Điều 2 Thông tư 75/2019/TT-BTC gồm:
(1) Nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó:
a) Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến nông trung ương và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, tổ chức thực hiện.
b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến nông địa phương và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý, tổ chức thực hiện.
(2) Nguồn kinh phí lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện mục tiêu của khuyến nông.
(3) Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động khuyến nông. Các đơn vị được vận dụng các quy định tại Thông tư này trong việc sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác khi thực hiện hoạt động khuyến nông.
Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy ngoài nguồn ngân sách Trung ương, cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động khuyến nông còn có thể sử dụng nguồn ngân sách địa phương, nguồn kinh phí lồng ghép với các chương trình, dự án khác và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động khuyến nông.
Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hoạt động khuyến nông dựa trên nguyên tắc nào?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 75/2019/TT-BTC, nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến nông được quy định như sau:
(1) Ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Ủy ban nhân dân các cấp quản lý, tổ chức thực hiện theo chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương III của Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
(2) Hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 và Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
(3) Các tổ chức, đơn vị được giao kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động khuyến nông phải thực hiện công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn, kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định hiện hành
(4) Các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho các hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp phải thực hiện theo đúng định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành. Đối với các nội dung chi chưa có quy định về mức chi thì Thủ trưởng đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Như vật, pháp luật hiện hành quy định những đối tượng cụ thể trong việc thực hiện và chuyển giao công nghệ khi thực hiện hoạt động khuyến nông. Ngoài ngân sách Trung ương, cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động khuyến nông còn có thể lấy kinh phí từ các nguồn như ngân sách địa phương, nguồn kinh phí lồng ghép với các chương trình, dự án khác và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động khuyến nông theo đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Một số bài vè chúc Tết, thơ chúc Tết Nguyên đán cho trẻ em hay, dễ thuộc? Tổng hợp các quyền cơ bản của trẻ em?
- Hướng dẫn đăng nhập Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên và hội sinh viên Việt Nam Chủ đề yêu nước?
- Tải bảng tổng hợp sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng mới nhất? Quy định về chi phí xây dựng khi xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng?
- Mẫu Tờ trình xin kinh phí Đại hội chi bộ mới nhất? Tải mẫu Tờ trình xin kinh phí tổ chức Đại hội chi bộ?
- Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư làm việc theo nguyên tắc gì? Nhiệm vụ quyền hạn Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư?