Dự phòng nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là khoản tiền được trích lập với mục đích gì?
- Dự phòng nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là khoản tiền được trích lập với mục đích gì?
- Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ gồm có mấy loại?
- Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được lựa chọn phương pháp trích lập dự phòng toán học nào đối với hợp đồng bảo hiểm tử kỳ có thời hạn trên 01 năm?
Dự phòng nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là khoản tiền được trích lập với mục đích gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 97 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
Dự phòng nghiệp vụ
1. Dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm có thể phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.
...
Như vậy, theo quy định trên, dự phòng nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm được trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm có thể phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.
Theo đó, việc trích lập dự phòng nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
(1) Trích lập riêng cho từng nghiệp vụ bảo hiểm;
(2) Tương ứng với phần trách nhiệm đã cam kết theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
(3) Tách biệt giữa các hợp đồng bảo hiểm của đối tượng bảo hiểm trong và ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, kể cả trong cùng một nghiệp vụ bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
(4) Luôn có tài sản tương ứng với dự phòng nghiệp vụ đã trích lập, đồng thời tách biệt tài sản tương ứng với dự phòng quy định tại điểm c khoản này;
(5) Sử dụng Chuyên gia tính toán để tính toán, trích lập dự phòng nghiệp vụ;
(6) Thường xuyên rà soát, đánh giá việc trích lập dự phòng nghiệp vụ; kịp thời có các biện pháp nhằm bảo đảm trích lập đầy đủ dự phòng để chi trả cho các trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Dự phòng nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là khoản tiền trích lập với mục đích gì? (Hình từ Internet)
Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ gồm có mấy loại?
Căn cứ Điều 40 Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm nhân thọ
1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải trích lập dự phòng nghiệp vụ cho từng hợp đồng bảo hiểm tương ứng với phần trách nhiệm đã cam kết theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và phải được chuyên gia tính toán của doanh nghiệp, chi nhánh xác nhận.
2. Dự phòng nghiệp vụ bao gồm:
a) Dự phòng toán học: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm đối với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
b) Dự phòng phí chưa được hưởng: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;
c) Dự phòng bồi thường: Được sử dụng để trả tiền cho các sự kiện bảo hiểm đã xảy ra chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;
d) Dự phòng chia lãi: Được sử dụng để trả lãi mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thỏa thuận với bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm có tham gia chia lãi;
đ) Dự phòng bảo đảm lãi suất cam kết: Được sử dụng để bảo đảm mức lãi suất cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm hưu trí;
e) Dự phòng bảo đảm cân đối: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ rủi ro, lãi suất kỹ thuật.
...
Như vậy, dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ gồm có 06 loại dự phòng, bao gồm:
(1) Dự phòng toán học: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm đối với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
(2) Dự phòng phí chưa được hưởng: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;
(3) Dự phòng bồi thường: Được sử dụng để trả tiền cho các sự kiện bảo hiểm đã xảy ra chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;
(4) Dự phòng chia lãi: Được sử dụng để trả lãi mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thỏa thuận với bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm có tham gia chia lãi;
(5) Dự phòng bảo đảm lãi suất cam kết: Được sử dụng để bảo đảm mức lãi suất cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm hưu trí;
(6) Dự phòng bảo đảm cân đối: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ rủi ro, lãi suất kỹ thuật.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được lựa chọn phương pháp trích lập dự phòng toán học nào đối với hợp đồng bảo hiểm tử kỳ có thời hạn trên 01 năm?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 41 Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Phương pháp, cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ
1. Dự phòng toán học đối với bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bảo hiểm nhân thọ được chủ động lựa chọn phương pháp trích lập dự phòng toán học đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm để đảm bảo được các trách nhiệm bảo hiểm trong tương lai như: Phương pháp phí bảo hiểm gộp, phương pháp phí bảo hiểm thuần, phương pháp phí bảo hiểm thuần có điều chỉnh Zillmer hoặc các phương pháp khác theo thông lệ quốc tế;
...
Như vậy, theo quy định trên, đối với hợp đồng bảo hiểm tử kỳ có thời hạn trên 01 năm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được chủ động lựa chọn phương pháp trích lập dự phòng toán học để đảm bảo được các trách nhiệm bảo hiểm trong tương lai, các phương pháp gồm có:
- Phương pháp phí bảo hiểm gộp;
- Phương pháp phí bảo hiểm thuần,
- Phương pháp phí bảo hiểm thuần có điều chỉnh Zillmer hoặc các phương pháp khác theo thông lệ quốc tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?
- Thông tin chi tiết trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm những gì? Thông tin này có phải là dữ liệu mở?
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?