Giá vàng tăng cao, cơ quan nào có trách nhiệm bình ổn thị trường vàng và quản lý hoạt động kinh doanh vàng?
Giá vàng tăng cao, cơ quan nào có trách nhiệm can thiệp, bình ổn thị trường vàng?
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chính là cơ quan có trách nhiệm thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng khi giá vàng tăng cao, biến động mạnh thông qua các biện pháp sau đây:
- Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
- Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
- Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo tiểu mục c Mục 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 20/NQ-CP năm 2024, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1426/CĐ-TTg năm 2023.
Cụ thể, theo Công điện 1426/CĐ-TTg năm 2023, trong tình hình thị trường vàng trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng tăng cao, biến động mạnh, để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước:
- Theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng;
Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 01 năm 2024.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường;
Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định;
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.
- Đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... và xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, đúng thẩm quyền, ổn định thị trường vàng, ngoại hối, tiền tệ, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
- Chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.
Giá vàng tăng cao, cơ quan nào có trách nhiệm bình ổn thị trường vàng? (Hình từ Internet)
Việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng tác động như thế nào đến thị trường vàng?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:
Nguyên tắc quản lý
...
4. Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng.
Ngoài ra, quản lý hoạt động kinh doanh vàng còn bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
Những hành vi nào được xác định là vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng?
Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng được quy định tại Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:
- Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
- Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.
- Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
- Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?