Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị sai thông tin thì chỉnh sửa như thế nào theo quy định của pháp luật?
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là gì và được thể hiện những thông tin cơ bản nào?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn;
Nội dung Giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, cụ thể:
- Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
- Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là gì và được thể hiện những thông tin cơ bản nào? (Hình từ Internet)
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị sai thông tin thì chỉnh sửa như thế nào theo quy định của pháp luật?
Để có thể trả lời câu hỏi "giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị sai thông tin thì chỉnh sửa như thế nào" thì cần phải tìm hiểu một số vấn đề như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có phải là giấy tờ hộ tịch hay không?
- Nếu là giấy tờ hộ tịch thì cần thực hiện thủ tục nào để chỉnh sửa thông tin bị sai xót?
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có phải là giấy tờ hộ tịch hay không?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Hộ tịch 2014 thì:
Hộ tịch là những sự kiện được quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch 2014, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết.
Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 thì ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện:
- Khai sinh;
- Kết hôn;
- Ly hôn;
- Hủy việc kết hôn;
- Giám hộ;
- Nhận cha, mẹ, con;
- Xác định cha, mẹ, con;
- Nuôi con nuôi;
- Thay đổi hộ tịch;
- Khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Vì kết hôn là một trong những sự kiện hộ tịch và được ghi vào sổ hộ tịch nên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là giấy tờ hộ tịch.
Bởi, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là giấy tờ hộ tịch nên trong trường hợp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có sai sót thì có thể thực hiện thủ tục cải chính hộ tịch.
Vậy cải chính hộ tịch là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch.
Lưu ý: theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì:
Cải chính hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Thủ tục cải chính hộ tịch, sửa đổi thông tin giấy đăng ký kết hôn bị sai thì thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 28 Luật hộ tịch 2014 thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch bao gồm các bước sau đây:
- Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Lưu ý: Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
Ngoài ra, đối với trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?
- Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở nào? Nguyên tắc xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan?
- Quyết định 08/2024 về Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước thế nào? Toàn văn Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN?
- Sĩ quan sử dụng máy tính quân sự để kết nối vào mạng Internet làm lộ lọt thông tin thì xử lý như thế nào?
- Chế độ báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ Online Banking từ 1 1 2025 theo Thông tư 50 2024?