Giờ Trái đất là gì? Khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm nay như thế nào?
Giờ Trái đất là gì?
Giờ Trái Đất (tên tiếng Anh là Earth Hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF) khởi xướng từ năm 2007, khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF), còn được biết đến với tên gọi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên.
Thời gian hưởng ứng Giờ Trái đất là trong vòng 60 phút, từ 20h30 đến 21h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm.
Logo của chiến dịch Giờ Trái đất được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là con số phút kêu gọi tắt điện. Hiện nay logo của Giờ Trái đất được thêm dấu "+" sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.
Giờ Trái đất nhằm khuyến khích một cộng đồng toàn cầu liên kết với nhau để chia sẻ những cơ hội và thách thức của việc tạo ra một thế giới phát triển bền vững. Chiến dịch Giờ Trái đất góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giảm thiểu phát thải khí thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 được diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 25 tháng 3 năm 2023 (Thứ Bảy) theo Công văn 1663/BTNMT-TTTT năm 2023.
Giờ Trái đất năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 vào thứ 7 ngày 23/03/2024.
Chiến dịch Giờ trái đất (Hình từ Internet)
Khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm nay như thế nào?
Khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm nay được hướng dẫn tại Mục 3 Phụ lục Ban hành kèm theo Công văn 1663/BTNMT-TTTT năm 2023 dưới đây:
- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vì Trái đất của chúng ta.
- Tắt một bóng đèn, thắp sáng một tương lai.
- Phục hồi thiên nhiên hướng tới tương lai phát triển bền vững.
- Chung tay phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
- Phục hồi các hệ sinh thái - hành động ngay hôm nay.
- Giảm phát thải khí nhà kính, tăng sử dụng năng lượng xanh đưa phát thải ròng về 0.
Chủ đề của Chiến dịch Giờ trái đất qua các năm như thế nào?
Chủ đề của Chiến dịch Giờ trái đất năm 2021 tại Công văn 1046/BTNMT-TĐKTTT năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nêu:
Giờ Trái đất năm 2021 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Speak up for nature” - “Lên tiếng vì thiên nhiên”, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhân thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh, đặc biệt đối với đại dịch Covid-19; khuyến khích các sáng kiến, ý tưởng xây dựng cộng đồng, nền kinh tế phát triển bền vững, hòa nhập với thiên nhiên (thuận thiên); bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tại Công văn 1358/BTNMT-TTTT năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chủ đề của Chiến dịch Giờ trái đất năm 2022 như sau:
Giờ Trái đất năm 2022 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Kiến tạo Tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ” (Shape the Future), mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về vai trò quan trọng trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học trên toàn cầu. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải mê-tan toàn cầu đến năm 2030, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia nhiều sáng kiến khác. Cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 để khẳng định với cộng đồng quốc tế quyết tâm cao của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Và chủ đề của Chiến dịch Giờ trái đất năm 2023 tại Công văn 1663/BTNMT-TTTT năm 2023 như sau:
Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “The Biggest Hour for Earth” –“Thời khắc quan trọng cho Trái đất”. Thông điệp nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học; kêu gọi toàn thể cá nhân, cộng đồng cùng hành động để thích nghi và thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thập kỷ này, chống lại tình trạng suy giảm môi trường sống. Đây là điều kiện tiên quyết để tăng cường sức khỏe, sự đa dạng phong phú của các loài, quần thể và hệ sinh thái. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thực hiện hóa các mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khi hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 27 (COP27), sử dụng năng lượng bền vững và hướng tới tương lai 100% năng lượng tái tạo.
Theo đó, chủ để của Chiến dịch Giờ trái đất từ năm 2021 đến năm 2023 như sau:
Năm 2021: Chủ đề “Speak up for nature” - “Lên tiếng vì thiên nhiên”
Năm 2022: Chủ đề “Kiến tạo Tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ” (Shape the Future)
Năm 2023: Chủ đề “The Biggest Hour for Earth” –“Thời khắc quan trọng cho Trái đất”.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?