Hải quan là gì? Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan như thế nào?
Hải quan là gì?
Hải quan là cơ quan của nhà nước chịu trách nhiệm quản lý và kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải, và hành khách di chuyển qua biên giới quốc gia, bao gồm cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Nhiệm vụ chính của hải quan là đảm bảo tuân thủ các quy định về thương mại, thuế quan và các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, môi trường cũng như ngăn chặn buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 16 Luật Hải quan 2014, nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan như sau:
(1) Hàng hóa, phương tiện vận tải phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian qua cửa khẩu hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
(2) Kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
(3) Hàng hóa được thông quan, phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan.
(4) Thủ tục hải quan phải được thực hiện công khai, nhanh chóng, thuận tiện và theo đúng quy định của pháp luật.
(5) Việc bố trí nhân lực, thời gian làm việc phải đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Hải quan là gì? Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan như thế nào? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của người khai hải quan và cơ quan hải quan, công chức hải quan khi làm thủ tục hải quan là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Hải quan 2014, trách nhiệm của người khai hải quan và cơ quan hải quan, công chức hải quan khi làm thủ tục hải quan được quy định cụ thể như sau:
(1) Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm:
- Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 24 Luật Hải quan 2014;
- Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
- Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan, công chức hải quan có trách nhiệm:
- Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan;
- Kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
- Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Quyết định việc thông quan hàng hóa, giải phóng hàng hóa, xác nhận phương tiện vận tải đã hoàn thành thủ tục hải quan.
Lưu ý:
(A) Về hồ sơ hải quan
Theo quy định tại Điều 24 Luật Hải quan 2014, hồ sơ hải quan bao gồm:
- Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;
- Chứng từ có liên quan.
Cần lưu ý về hồ sơ hải quan như sau:
- Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Hồ sơ hải quan được nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan.
Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mẫu tờ khai hải quan, việc sử dụng tờ khai hải quan và chứng từ thay thế tờ khai hải quan, các trường hợp phải nộp, xuất trình chứng từ có liên quan.
(B) Về thời hạn nộp hồ sơ hải quan
Căn cứ Điều 25 Luật Hải quan 2014, thời hạn nộp hồ sơ hải quan được quy định cụ thể như sau:
(1) Thời hạn nộp tờ khai hải quan được quy định như sau:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
- Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu;
- Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Hải quan 2014.
(2) Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.
(3) Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan được quy định như sau:
- Trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia;
- Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 11 tháng 1 là ngày gì? Ngày 11 tháng 1 âm lịch bao nhiêu, thứ mấy? Ngày 11 tháng 1 cung gì? Có được nghỉ làm vào ngày này?
- HMPV là gì? HMPV có phải là căn nguyên virus gây viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn không?
- Lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 phạt bao nhiêu tiền? Sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 trừ bao nhiêu điểm?
- Toàn bộ chế độ nghỉ hưu trước tuổi năm 2025 có gì đáng chú ý? Tải Nghị định 178 nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy?
- Có được miễn trừ khai báo hóa chất đối với hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ hay không?