Hành vi trồng cây xanh không đúng quy định sẽ bị xử lý như thế nào? Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về sử dụng từng loại cây xanh đô thị?
Cây xanh đô thị được trồng và chăm sóc, ươm mầm như thế nào?
Quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị được nêu cụ thể tại Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP gồm:
(1) Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.
(3) Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
(4) Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.
Cụ thể, đối với vườn ươm cây xanh đô thị, Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định như sau:
- Đô thị phải dành quỹ đất để phát triển vườn ươm theo quy hoạch.
- Tổ chức hoặc cá nhân sử dụng đất để phát triển vườn ươm phải bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả sử dụng đất; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào việc nghiên cứu giống cây, thuần hóa cây nhập ngoại; công tác ươm trồng giống các loại cây, cây hoa, cây cảnh đáp ứng nhu cầu về cung cấp cây xanh cho đô thị.
Trồng, chăm sóc cây xanh đô thị
Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về sử dụng từng loại cây xanh đô thị?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định về cây xanh và một số loại cây xanh như sau:
"2. Cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.
3. Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.
4. Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng.
5. Cây xanh chuyên dụng trong đô thị là các loại cây trong vườn ươm hoặc phục vụ nghiên cứu."
Quy định về sử dụng các loại cây xanh nói trên cụ thể như sau:
(1) Đối với cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị: quy định tại Điều 15 Nghị định 64/2010/NĐ-CP
- Đối với cây xanh trên đường phố
+ Cây bóng mát trồng trên đường phố phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật và khoảng cách cây trồng, chiều cao, đường kính cây;
+ Việc lựa chọn các hình thức bố trí cây, loại cây trồng trên đường phố phải phù hợp với từng loại đường phố, đặc thù của mỗi đô thị và phải bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tại các đảo giao thông việc bố trí các loại cây xanh phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông;
+ Cây xanh được trồng dưới đường dây điện phải đảm bảo hành lang an toàn lưới điện theo quy định của pháp luật về điện lực;
+ Trên các tuyến đường phố đô thị cây bóng mát phải được đánh số cây để lập hồ sơ quản lý cây và định kỳ kiểm tra theo quy trình kỹ thuật quy định;
+ Trồng cây xanh không che khuất biển báo hiệu đường bộ và đèn tín hiệu giao thông.
- Đối với cây xanh trong công viên – vườn hoa, quảng trường và các khu vực công cộng khác của đô thị.
+ Cây xanh trồng trong công viên, vườn hoa, quảng trường, ven hồ nước, hai bên bờ sông và các khu vực công cộng khác của đô thị phải tuân thủ quy hoạch chi tiết cây xanh, công viên – vườn hoa hoặc quy hoạch chi tiết đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ dịch chuyển, chặt hạ cây xanh phải tuân thủ các quy định tại Điều 11, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này.
- Cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải được đầu tư phát triển theo kế hoạch hàng năm của đô thị.
(2) Đối với cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị: quy định tại Điều 16 Nghị định 64/2010/NĐ-CP
- Các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.
- Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm đ của khoản 2; khoản 4; điểm a, điểm c, điểm d của khoản 7 Điều 14 của Nghị định này.
- Việc trồng cây trang trí, cây cảnh, cây hoa trên các ban công, sân thượng phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
(3) Đối với cây được bảo tồn trong đô thị: quy định tại Điều 17 Nghị định 64/2010/NĐ-CP
- Các loại cây được bảo tồn phải thống kê về số lượng, chất lượng, đánh số cây, treo biển tên, lập hồ sơ, đồng thời phải có chế độ chăm sóc đặc biệt và bảo vệ cho từng cây để phục vụ công tác bảo tồn.
- Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý ban hành danh mục cây cần được bảo tồn trên địa bàn do mình quản lý.
Ngoài ra, đối với cây nguy hiểm trong đô thị được quy định tại Điều 18 Nghị định 64/2010/NĐ-CP như sau:
"Điều 18. Đối với cây nguy hiểm trong đô thị
1. Cây nguy hiểm trong đô thị phải có biện pháp bảo vệ và có kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển kịp thời. Cây trồng mới phải bảo đảm theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
2. Đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi tình trạng phát triển của cây; lập kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển cây trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồng thời tổ chức triển khai thực hiện."
Theo đó, mỗi loại cây xanh đô thị sẽ được quy định hướng sử dụng, quản lý khác nhau.
Hành vi trồng cây xanh không đúng quy định sẽ bị xử lý như thế nào?
Những hành vi trồng cây xanh bị xử lý vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:
"Điều 54. Vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa
...
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây;
b) Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định;
c) Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
d) Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định;
đ) Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn."
Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều này cụ thể như sau:
"4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này;
b) Buộc trồng cây xanh đô thị đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn cây với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này."
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, đây là mức phạt tiền áp dụng với tổ chức. Trường hợp chủ thể vi phạm là cá nhân, mức phạt bằng 1/2 mức phạt nói trên.
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định cụ thể về việc trồng, ươm mầm và chăm sóc cây xanh đô thị. Tùy vào từng loại cây xanh đô thị, pháp luật quy định biện pháp quản lý và sử dụng tương ứng. Bên canh đó, hành vi trồng cây xanh không đúng quy định sẽ bị xử lý tùy vào hành vi và mức độ vi phạm cụ thể.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?