4 mục tiêu và định hướng đối với từng lĩnh vực trong Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam là gì?
Ngày 07/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu và định hướng phát triển về sản xuất năng lượng hydrogen là gì?
Tại Mục 2 Điều 1 Quyết định 165/QĐ-TTg 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về mục tiêu và định hướng sản xuất năng lượng hydrogen:
- Giai đoạn đến năm 2030
+ Triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam.
+ Triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong thu giữ/sử dụng các-bon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí,…).
+ Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.
- Định hướng đến năm 2050
+ Tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam.
+ Tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong thu giữ/sử dụng các-bon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí,…).
+ Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.
4 mục tiêu và định hướng đối với từng lĩnh vực trong Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam là gì? (Hình từ Internet)
Mục tiêu và định hướng phát triển về sử dụng năng lượng hydrogen là gì?
Tại Mục 2 Điều 1 Quyết định 165/QĐ-TTg 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về mục tiêu và định hướng sử dụng năng lượng hydrogen gồm:
- Giai đoạn đến năm 2030
+ Từng bước phát triển thị trường năng lượng hydrogen phù hợp và đồng bộ với lộ trình chuyển đổi nhiên liệu trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép, xi măng, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác), thương mại và dân dụng.
+ Triển khai áp dụng thử nghiệm năng lượng có nguồn gốc hydrogen trong một số lĩnh vực có khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống và giá thành hợp lý, cụ thể:
Sản xuất điện: Nghiên cứu triển khai thí điểm đồng đốt khí với hydrogen và than với ammoniac tại các nhà máy điện khí, điện than để chuẩn bị cho việc thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang năng lượng có nguồn gốc hydrogen.
Giao thông vận tải: Nghiên cứu triển khai thí điểm áp dụng năng lượng hydrogen cho các phương tiện giao thông vận tải công cộng và vận tải đường dài.
Công nghiệp: Nghiên cứu triển khai thí điểm sử dụng năng lượng hydrogen xanh thay thế hydrogen xám trong sản xuất phân bón, lọc hóa dầu; thí điểm sử dụng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen trong sản xuất thép xanh, xi măng,… ít phát thải.
- Định hướng đến năm 2050
+ Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen xanh và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng để khử các-bon nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050, trong đó:
Sản xuất điện: Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện khí và điện LNG sang sử dụng hydrogen, các nhà máy điện than sang sử dụng ammoniac theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công nghiệp: Thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng hydrogen trong sản xuất phân bón, công nghiệp lọc hóa dầu, thép và xi măng để khử các- bon lĩnh vực công nghiệp.
Giao thông vận tải: Thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng hydrogen và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen cho các phương tiện giao thông vận tải phù hợp với lộ trình chuyển đổi xanh ngành giao thông vận tải.
+ Hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh với các dạng năng lượng khác.
+ Phấn đấu tỷ trọng năng lượng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.
Mục tiêu và định hướng phát triển về tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen là gì?
Tại Mục 2 Điều 1 Quyết định 165/QĐ-TTg 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định về mục tiêu và định hướng tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen như sau:
- Giai đoạn đến năm 2030
+ Nghiên cứu triển khai thí điểm sử dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành năng lượng phục vụ tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống và giá thành hợp lý.
+ Nghiên cứu xây dựng thí điểm các trung tâm/cơ sở sản xuất thiết bị chuyên dụng phục vụ vận chuyển, tồn trữ, phân phối năng lượng hydrogen.
+ Nghiên cứu xây dựng thí điểm các hệ thống phân phối năng lượng hydrogen cho lĩnh vực giao thông ở các tuyến đường và khu vực có điều kiện thuận lợi.
- Định hướng đến năm 2050
+ Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng tồn trữ, phân phối và sử dụng hydrogen với quy mô thị trường khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm.
+ Triển khai mở rộng và hoàn thiện các hệ thống phân phối hydrogen cho lĩnh vực giao thông trong phạm vi cả nước phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Mục tiêu và định hướng phát triển về xuất khẩu năng lượng hydrogen là gì?
Tại Mục 2 Điều 1 Quyết định 165/QĐ-TTg 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định về mục tiêu và định hướng xuất khẩu năng lượng hydrogen như sau:
- Giai đoạn đến năm 2030
Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào về năng lượng tái tạo (gió, mặt trời,…) và lợi thế về vị trí địa lý, khuyến khích việc đầu tư sản xuất năng lượng hydrogen xanh để xuất khẩu trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng - an ninh và hiệu quả kinh tế.
- Định hướng đến năm 2050
Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen xanh của khu vực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?