Bảo đảm tiền vay được quy định như thế nào theo quyết định mới nhất về sửa đổi, bổ sung một số điều về tín dụng tại vùng khó khăn?
Ngày 05/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 17/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.
Bảo đảm tiền vay là gì?
Hiện nay tại Bộ luật Dân sự 2015, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều có ý nghĩa bảo đảm để khấu trừ nghĩa vụ.
Theo đó, bảo đảm tiền vay là việc tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lí để thu hồi được các khoản nợ đã cho khách hàng vay.
Do các biện pháp bảo đảm tiền vay ngoài mục đích khấu trừ nghĩa vụ trả nợ tiền vay còn nhằm phòng ngừa rủi ro nên các biện pháp bảo đảm tiền vay được quy định gồm hai loại:
+ Các biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản và các biện pháp phi tài sản. Gồm: cầm cố, thế chấp bằng tài sản của khách hàng vay; bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba; bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay.
+ Biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho vay không có đảm bảo bằng tài sản gồm: tổ chức tín dụng chủ động lựa chọn khách hàng vay để cho vay không có đảm bảo bằng tài sản; tổ chức tín dụng thực hiện chỉ định cho vay của Chính phủ (đối với tổ chức tín dụng nhà nước); bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong trường hợp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay.
Tài sản bảo đảm được quy định tại Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015
- Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
- Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
- Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
- Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
Điều kiện với tài sản bảo đảm cho nhiều khoản vay tại tổ chức tín dụng là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Dân sự 2015 thì một tài sản có thể bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định. Một tài sản có thể dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ nếu thỏa mãn các điều kiện:
- Có sự đồng ý xác lập các biện pháp bảo đảm đó từ các chủ thể của nhiều quan hệ nghĩa vụ;
- Giá trị tài sản tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm.
Khi một tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ về nguyên tắc giá trị của nó phải lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm. Nhưng nếu các bên có thỏa thuận và thống nhất ý chí một tài sản có giá trị nhỏ hơn các nghĩa vụ được bảo đảm vẫn trở thành đối tượng của các biện pháp bảo đảm mà các bên lựa chọn vẫn được đảm bảo thực hiện.
Một tài sản có thể dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ đối với một người nhận bảo đảm. Trường hợp một tài sản bảo đảm nhiều nghĩa vụ thì mỗi lần bảo đảm phải lập thành văn bản riêng để làm căn cứ xử lý tài sản bảo đảm.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì một tài sản có thể được dùng để thế chấp cho nhiều ngân hàng nếu đáp ứng các điều kiện trên.
Bảo đảm tiền vay được quy định như thế nào theo quyết định mới nhất về sửa đổi, bổ sung một số điều về tín dụng tại vùng khó khăn? (Hình internet)
Bảo đảm tiền vay theo Quyết định 17/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều về tín dụng tại vùng khó khăn như thế nào?
*Về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn
Tại khoản 6 Điều 1 Quyết định 17/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 10 Quyết định 31/2007/QĐ-TTg về bảo đảm tiền vay như sau: Người vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Như vậy, so với trước đây thì người vay vốn từ trên 30 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, chỉ có người vay vốn đến 30 triệu đồng mới không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, còn sắp tới đây sẽ thực hiện quy định người vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
*Về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn
Tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 17/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 12 Quyết định 92/2009/QĐ-TTg về bảo đảm tiền vay như sau:
- Thương nhân vay vốn đến 100 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
- Thương nhân vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Như vậy, so với trước đây, chỉ có thương nhân vay vốn đến 50 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay và thương nhân vay vốn trên 50 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Còn sắp tới đây, thương nhân vay vốn đến 100 triệu đồng sẽ không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Quyết định 17/2023/QĐ-TTg sẽ có hiệu lực từ ngày 8/8/2023
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền?
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?