Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm có được bồi thường thiệt hại nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế?
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm có được bồi thường thiệt hại nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế?
- Bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì có được bồi thường không?
- Người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi trong thời gian trường học, bệnh viện quản lý gây thiệt hại thì có bồi thường không?
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm có được bồi thường thiệt hại nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế?
Căn cứ Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Theo đó, khoản 5 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Cụ thể, theo khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân ngày 06/09/2022 nội dung này được hướng dẫn như sau:
Trường hợp bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm để mặc thiệt hại xảy ra mặc dù:
+ Biết, nhìn thấy trước việc nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn thì thiệt hại sẽ xảy ra;
+ Có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra.
Khi có 02 điều kiện trên, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm sẽ không nhận được khoản bồi thường thiệt hại.
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm có được bồi thường thiệt hại nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế? (Hình từ Internet)
Bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì có được bồi thường không?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Theo đó, dựa vào khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có thể hiểu rằng, bên bị thiệt hại có một phần lỗi đối với thiệt hại xảy ra thì không được bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó.
Ví dụ: A và B cùng lái ô tô tham gia giao thông, xảy ra tai nạn do đâm va vào nhau dẫn đến A bị thiệt hại 100.000.000 đồng. Cơ quan có thẩm quyền xác định A và B cùng có lỗi với mức độ lỗi của mỗi người là 50%. Trường hợp này, B phải bồi thường 50.000.000 đồng cho A (50% thiệt hại).
Như vậy, theo quy định hiện hành thì bên bị thiệt hại vẫn sẽ nhận được bồi thường của bên gây ra thiệt hại, tuy nhiên mức bồi thường này đã trừ đi một phần lỗi của bên bị thiệt hại.
Người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi trong thời gian trường học, bệnh viện quản lý gây thiệt hại thì có bồi thường không?
Người mất năng lực hành vi được khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi được Tòa án ra tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
Theo đó, việc bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện quản lý được quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý
1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.
Như vậy, người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi trong thời gian trường học, bệnh viện gây thiệt hại thì sẽ không thực hiện trách nhiệm bồi thường.
Thay vào đó chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại này được xác định là trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý hoặc cha mẹ, người giám hộ sẽ thực hiện tùy vào từng trường hợp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?