Câu lạc bộ ký hợp đồng lao động 8 năm với cầu thủ bóng đá có được không? Khi nào cầu thủ được rời khỏi câu lạc bộ đào tạo?
Câu lạc bộ ký hợp đồng lao động 8 năm với cầu thủ bóng đá có được không?
Trước hết cần xác định hợp đồng mà cầu thủ ký với câu lạc bộ trong thời gian thi đấu cho câu lạc bộ là hợp đồng lao động, theo đó cần căn cứ các quy định của pháp luật lao động để trả lời cho vấn đề này.
Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Theo quy định nêu trên của Bộ luật Lao động hiện hành, hợp đồng được chia làm hai loại là không xác định thời hạn và xác định thời gian nhưng không quá 3 năm.
Ngoài ra, theo Điều 21 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 76/QĐ-TCTDTT năm 2021 của Tổng cục thể dục thể thao cũng có quy định
Hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp
1. Hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp là hợp đồng lao động ký giữa câu lạc bộ và cầu thủ chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và phù hợp với quy định của FIFA, AFC và Quy chế này. Cầu thủ dưới 18 tuổi không được ký hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp có thời hạn quá 03 (ba) năm. Trường hợp ký kết hợp đồng giữa câu lạc bộ và cầu thủ là người nước ngoài thì ngoài các quy định trên còn phải tuân thủ Quy chế về địa vị pháp lý và chuyển nhượng cầu thủ của FIFA.
Trong đó, quy chế này có nêu rõ trường hợp cấm cầu thủ dưới 18 tuổi ký hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp quá 3 năm.
Đồng thời, theo các quy định của FIFA cũng có quy định đề cập đến việc thời hạn tối đa của hợp đồng là năm 5 năm. Chỉ được ký hợp đồng có thời hạn khác với quy định này nếu phù hợp với luật pháp quốc gia.
Như vậy, hợp đồng lao động giữa cầu thủ và câu lạc bộ tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của quy định pháp luật lao động. Mà hiện nay các quy định của pháp luật lao động chỉ cho phép ký hợp đồng lao động có thời hạn kéo dài tối đa là 3 năm.
Do đó, việc câu lạc bộ ký hợp đồng lao động với cầu thủ kéo dài đến 8 năm đang được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, các câu lạc bộ này có thể ký gia hạn hợp đồng với cầu thủ sau 3 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019. Tuy nhiên lưu ý là với quy định hiện hành, việc gia hạn hợp đồng có thời hạn chỉ được thực hiện một lần.
Câu lạc bộ ký hợp đồng lao động 8 năm với cầu thủ bóng đá có được không? Khi nào cầu thủ được rời khỏi câu lạc bộ đào tạo? (Hình từ Internet)
Khi nào cầu thủ được rời khỏi câu lạc bộ đào tạo? Cầu thủ chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn được không?
Căn cứ quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động giữa cầu thủ và câu lạc bộ có thể chấm dứt hiệu lực khi rơi vào các trường hợp này. Thông thường, giữa cầu thủ và câu lạc bộ tại Việt Nam kết thúc hợp đồng khi đã hết hạn hợp đồng lao động, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động,...
Về việc cầu thủ muốn chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận về việc kết thúc hợp đồng trước thời hạn thì pháp luật lao động cũng có các quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Ngoài ra tại khoản 2 Điều 23 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 76/QĐ-TCTDTT năm 2021 có quy định:
Chấm dứt hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp
...
2. Chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn:
a) Câu lạc bộ, cầu thủ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về lao động, Quy chế này và quy định của FIFA. Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc không có lý do chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, quy định của LĐBĐVN, FIFA.
b) Câu lạc bộ hoặc cầu thủ có hành vi gian dối, ép buộc bên còn lại nhằm chấm dứt hoặc thay đổi các điều khoản của hợp đồng lao động thì bên còn lại được quyền chấm dứt hợp đồng có lý do chính đáng mà không phải bồi thường hoặc không bị áp dụng các biện pháp phạt thể thao. khoản này thì thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể
Ngoài ra, quy chế này cũng có quy định về trường hợp cầu thủ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn vì lý do nợ lương hoặc vì lý do thể thao chính đáng
Như vậy, cầu thủ có thể chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn khi thuộc một trong các trường hợp quy định theo pháp luật lao động về thời hạn báo trước hoặc có lý do thuộc khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì không cần báo trước.
Tuy nhiên cần lưu ý điều khoản mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn đã ký trước đó giữa hai bên. Trường hợp câu lạc bộ hoặc huấn luyện viên có hành vi gian dối, ép buộc bên còn lại nhằm chấm dứt hoặc thay đổi các điều khoản của hợp đồng lao động, thì căn cứ vào quy chế nêu trên cầu thủ không phải bồi thường nếu có thỏa thuận trước đó khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Hậu quả của việc cầu thủ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với câu lạc bộ là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Ngoài ra khoản 4 Điều 33 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 76/QĐ-TCTDTT năm 2021 có quy định
Hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc không có lý do chính đáng:
a) Trong mọi trường hợp, bên vi phạm sẽ phải bồi thường. Mức bồi thường phá vỡ hợp đồng được tính toán trên cơ sở quy định của pháp luật về lao động, Quy chế này và các quy định liên quan; đồng thời tính toán trên cơ sở thời gian còn lại của hợp đồng nếu cầu thủ không ký bất kỳ hợp đồng mới nào sau khi chấm dứt hợp đồng trước đó, các khoản phí và khoản phải chi do câu lạc bộ đã trả hoặc phải chịu. Quy định của FIFA về mức bồi thường giảm nhẹ và mức bồi thường bổ sung có thể được xem xét áp dụng.
Nếu thỏa ước lao động tập thể khác với quy định nêu trên nhưng phù hợp với quy định của pháp luật về lao động thì thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể.
b) Quyền được hưởng bồi thường không được chuyển nhượng cho bên thứ ba. Nếu cầu thủ phải trả tiền bồi thường, cầu thủ và câu lạc bộ mới của cầu thủ phải cùng chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ trả tiền. Mức bồi thường có thể được quy định trong hợp đồng hoặc theo sự thỏa thuận của các bên;
c) Ngoài nghĩa vụ trả tiền bồi thường, bất kỳ câu lạc bộ hoặc cầu thủ nào đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng có thể phải chịu các hình thức kỷ luật theo Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN.
Như vậy, khi cầu thủ chấm dứt hợp đồng trái luật có thể chịu mức bồi thường khá cao và chịu các hình thức kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?