Chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 cần lưu ý những vấn đề gì?
Tiêu chí đối với trẻ em mắc Covid-19 được chăm sóc tại nhà là gì?
Theo hướng dẫn tại mục I Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BYT), tiêu chí để trẻ em mắc Covid-19 được chăm sóc tại nhà bao gồm:
"I. TIÊU CHÍ ĐỐI VỚI TRẺ EM MẮC COVID-19 ĐƯỢC CHĂM SÓC TẠI NHÀ
1. Tiêu chí lâm sàng
- Trẻ em ≤ 16 tuổi mắc COVID được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.
- Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi).
- Không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
2. Có người chăm sóc
Như bố, mẹ, người thân... có khả năng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ (sau đây gọi chung là người chăm sóc), có khả năng liên lạc với nhân viên y tế (qua các phương tiện như điện thoại, máy tính…) để được nhân viên y tế theo dõi, giám sát và xử trí khi có tình trạng cấp cứu."
Cần chuẩn bị những gì để chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19?
Theo hướng dẫn tại mục III Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BYT), cha mẹ hoặc người thân chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà cần chuẩn bị những vật dụng thiết yếu, thuốc điều trị, không gian cách ly và phương tiện liên lạc dưới đây:
"III. CHUẨN BỊ CẦN THIẾT ĐỂ CHĂM SÓC TRẺ TẠI NHÀ
1. Các vật dụng cần thiết tại nhà
a) Nhiệt kế;
b) Máy đo SpO2 cá nhân (nếu có);
c) Khẩu trang y tế;
d) Phương tiện vệ sinh tay;
đ) Vật dụng cá nhân cần thiết;
e) Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.
2. Thuốc điều trị tại nhà
a) Thuốc hạ sốt: paracetamol (gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, đủ dùng từ 5-7 ngày).
b) Thuốc cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
c) Thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc), đủ dùng từ 5-7 ngày.
d) Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày.
đ) Thuốc điều trị bệnh nền (nếu cần, đủ sử dụng trong 01-02 tuần).
3. Cách ly, phòng lây nhiễm
a) Tạo không gian cách ly riêng cho trẻ nhất là khi trẻ có khả năng tự chăm sóc. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ.
b) Đeo khẩu trang: trẻ em mắc COVID-19 (với trẻ ≥ 2 tuổi), người chăm sóc, người trong gia đình và trẻ em ≥ 2 tuổi.
c) Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa trẻ mắc COVID-19 và những người khác nếu có thể được.
4. Phương tiện liên lạc
Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh...)."
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19
Chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 tại nhà như thế nào?
Thứ nhất, việc theo dõi sức khỏe trẻ mắc Covid-19 được hướng dẫn tại tiểu mục 1 mục IV Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BYT) như sau:
Trường hợp trẻ dưới 5 tuổi:
- Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.
- Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:
+ Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật
+ Sốt cao liên tục >39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h
+ Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
+ Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...
+ Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít.
+ Tím tái
+ SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
+ Nôn mọi thứ
+ Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
+ Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng.
+ Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
Trường hợp trẻ từ 5 tuổi trở lên:
- Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, thính giác.
- Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:
+ Cảm giác khó thở.
+ Ho thành cơn không dứt
+ Không ăn/uống được
+ Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ
+ Nôn mọi thứ
+ Đau tức ngực
+ Tiêu chảy
+ Trẻ mệt, không chịu chơi
+ SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2 )
+ Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút
+ Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn.
+ Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
Thứ hai, thuốc điều trị tại nhà sử dụng cho trẻ mắc Covid-19 cần lưu ý hướng dẫn tại tiểu mục 2 mục IV Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BYT) như sau:
- Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,50 C: Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn, cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại (hoặc sử dụng liều theo tuổi, chi tiết trong Phụ lục); Lưu ý tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.
- Thuốc cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi): Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn), nếu trẻ không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước;
- Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.
- Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:
+ Ho: Có thể dùng các thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc).
+ Ngạt mũi, xổ mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.
+ Tiêu chảy: men vi sinh, men tiêu hóa.
- Với trẻ đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.
- Lưu ý:
+ Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.
+ Không xông cho trẻ em.
Thứ ba, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn theo hướng dẫn tại tiểu mục 3 mục IV Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BYT) như sau:
- Với trẻ mắc COVID-19:
+ Không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly.
+ Không sử dụng chung vật dụng với người khác.
+ Không ăn uống cùng với người khác.
+ Không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.
- Với người chăm sóc:
+ Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, bồn rửa mặt...
+ Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.
+ Đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn (nếu có), vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc.
Thứ tư, việc xét nghiệm để kết thúc cách ly, chăm sóc tại nhà cho trẻ mắc Covid-19 được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 4 mục IV Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 (ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BYT) như sau:
- Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vi rút SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc do người chăm sóc, trẻ tự thực hiện tại nhà.
- Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?