Chánh Thanh tra sở do ai bổ nhiệm? Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở trong hoạt động thanh tra là gì?
Chánh Thanh tra sở do ai bổ nhiệm?
Chánh Thanh tra trở được hiểu là người đứng đầu Thanh tra sở, lãnh đạo Thanh tra sở thực hiện chức năng xem xét - đánh giá - xử lý các cơ quan, cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Về thẩm quyền bổ nhiệm Chánh Thanh tra sở, khoản 1 Điều 29 Luật Thanh tra 2022 có đề cập như sau:
Tổ chức của Thanh tra sở
1. Thanh tra sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.
Chánh Thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Chánh Thanh tra tỉnh.
Như vậy, Giám đốc sở là người bổ nhiệm Chánh Thanh tra sở sau khi tham khảo ý kiến của Chánh Thanh tra tỉnh.
Chánh Thanh tra sở do ai bổ nhiệm? Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở trong hoạt động thanh tra là gì? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở trong hoạt động thanh tra ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật Thanh tra 2022, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở trong hoạt động thanh tra như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở
Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra sở có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Lãnh đạo Thanh tra sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
2. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
3. Kiến nghị Giám đốc sở đình chỉ việc thi hành quyết định hoặc hành vi trái pháp luật của đơn vị, cá nhân thuộc sở;
4. Kiến nghị Giám đốc sở giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra;
5. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, trong hoạt động thanh tra, Chánh Thanh tra sở có 05 nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên.
Thanh tra sở có vị trí, chức năng gì?
Căn cứ theo Điều 26 Luật Thanh tra 2022, vị trí và chức năng của Thanh tra sở được quy định như sau:
Vị trí, chức năng của Thanh tra sở
1. Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
2. Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây:
a) Theo quy định của luật;
b) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;
c) Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.
3. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh; chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.
Như vậy, Thanh tra sở là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong phạm vi được giao, dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Giám đốc sở và sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức như sau:
- Chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh;
- Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.
Thanh tra sở thực hiện thanh tra trong bao lâu?
Về thời thời hạn thanh tra, Điều 47 Luật Thanh tra 2022 có quy định:
Thời hạn thanh tra
1. Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được quy định như sau:
a) Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày;
b) Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày;
c) Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.
2. Thời gian tạm dừng cuộc thanh tra quy định tại Điều 70 của Luật này không tính vào thời hạn thanh tra.
Như vậy, theo điểm c khoản 1 Điều 47 Luật Thanh tra 2022 nêu trên thì cuộc thanh tra do Thanh tra sở thực hiện trong vòng 30 ngày.
Thời hạn thanh tra nêu trên có thể gia hạn đến tối đa 45 ngày trong trường hợp Thanh tra sở tiến hành cuộc thanh tra phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn.
Luật Thanh tra 2022 sẽ chính thức được áp dụng kể từ ngày 01/07/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất? Cách viết bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất chi tiết?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm các thông tin nào về dự án đầu tư xây dựng?
- Đu trend nhìn lên bầu trời sẽ thấy vì tinh tú có bị xử phạt hành chính không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- Công trình xây dựng là gì? Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn là hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng?
- Điều lệ Đảng là gì? 06 nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam?