Chạy xe của ba mẹ thì có phải sang tên xe? Khi nào cần sang tên xe theo Thông tư 24 của Bộ Công an?
Khi nào cần sang tên xe theo Thông tư 24 của Bộ Công an?
Căn cứ quy định tại Điều 13 Thông tư 24/2023/TT-BCA như sau:
Trường hợp đăng ký sang tên, di chuyển xe
1. Khi chuyển quyền sở hữu xe hoặc chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác (sau đây gọi chung là di chuyển nguyên chủ), chủ xe phải làm thủ tục thu hồi tại cơ quan đang quản lý hồ sơ xe đó.
2. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe (đối với trường hợp di chuyển nguyên chủ) làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe tại cơ quan đăng ký xe theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Theo quy định nêu trên thì các trường hợp sang tên xe bao gồm:
- Chuyển quyền sở hữu xe (bán, tặng cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, phân bổ, điều chuyển xe);
- Chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Chạy xe của ba mẹ thì có phải sang tên xe? Khi nào cần sang tên xe theo Thông tư 24 của Bộ Công an? (Hình từ Internet)
Chạy xe của ba mẹ thì có phải sang tên xe? Có bị xem là chạy xe không chính chủ?
Căn cứ Điều 13 Thông tư 24/2023/TT-BCA, đối chiếu với trường hợp "chạy xe của ba mẹ". Nếu không thuộc các trường hợp nhận chuyển quyền sở hữu xe (bán, tặng cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, phân bổ, điều chuyển xe) thì người chạy xe của ba mẹ sẽ không cần phải thực hiện sang tên xe.
Về xe không chính chủ, hiện nay chưa có quy định nào đề cập đến khái niệm ''xe không chính chủ". Xe không chính chủ được hiểu là xe đã được chuyển quyền sở hữu nhưng chưa làm giấy tờ sang tên, chủ cũ vẫn đứng tên trên giấy đăng ký xe đó.
Như vậy, trong trường hợp người sử dụng xe của ba mẹ (không thuộc các trường hợp chuyển quyền sở hữu) thì sẽ không được tính là xe không chính chủ. Tuy nhiên, nếu trong quá sử dụng xe có xảy ra tai nạn hoặc các vấn đề khác với xe thì cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào biển số xe, thông tin xe để liên hệ với chủ xe.
Chạy xe không chính chủ bị phạt bao nhiêu tiền?
Như đã đề cập, hiện nay chưa có quy định nào đề cập đến khái niệm ''xe không chính chủ".
Tuy nhiên, khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế xe mà vẫn chưa chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình thì người nhận chuyển quyền sở hữu sẽ bị phạt vì lỗi "Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe".
Cụ thể, căn cứ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
...
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô;
...
7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
l) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô;
Như vậy, mức phạt cho hành vi "Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe" được xác định như sau:
- Đối với xe máy:
+ Cá nhân: Bị phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng;
+ Tổ chức: Bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng.
- Đối với xe ô tô:
+ Cá nhân: Bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng;
+ Tổ chức: Bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Thủ tục sang tên xe theo quy định mới ra sao?
Cụ thể, căn cứ khoản 2 Điều 15 Thông tư 24/2023/TT-BCA như sau:
Thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe
...
2. Thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe
a) Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe (đối với trường hợp di chuyển nguyên chủ): Kê khai giấy khai đăng ký xe theo quy định tại Điều 9 Thông tư này; đưa xe đến để kiểm tra, cung cấp mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến và nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này;
b) Sau khi kiểm tra hồ sơ xe, thực tế xe đảm bảo hợp lệ thì được cơ quan đăng ký xe cấp biển số theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này;
c) Nhận giấy hẹn trả kết quả, nộp lệ phí đăng ký xe và nhận biển số xe (trường hợp được cấp biển số theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư này); trường hợp chủ xe có nhu cầu nhận trả kết quả đăng ký xe qua dịch vụ bưu chính công ích thì đăng ký với đơn vị dịch vụ bưu chính công ích;
d) Nhận chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp được cấp biển số theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư này) tại cơ quan đăng ký xe hoặc từ đơn vị dịch vụ bưu chính công ích.
Trường hợp đăng ký xe di chuyển nguyên chủ thì được giữ nguyên biển số định danh (biển 05 số); trường hợp biển số cũ là biển 3 hoặc 4 số thì cấp đổi sang biển số định danh theo quy định tại Thông tư này.
Như vậy, thủ tục sang tên xe được thực hiện theo nội dung quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền?
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?