Chi phí lãi vay của doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết được xác định như thế nào?
Chi phí lãi vay khi doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết được xác định thế nào?
Theo Công văn 238/TCT-TTKT 2024, chi phí lãi vay được xác định như sau:
...Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì chi phí lãi vay được trừ được xác định theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời được xác định theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ.
Như vậy, theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được quy định là Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
Xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
...
Không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Phần chi phí lãi vay không được trừ (vượt mức 30% ở trên) sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Quy định này không áp dụng với các khoản vay của:
- Người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010;
- Tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
- Các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại;
- Các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững);
- Các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).
Như vậy, khi hai doanh nghiệp có phát sinh quan hệ bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào nếu thỏa mãn quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì chi phí lãi vay khi doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết được xác định như trên.
Chi phí lãi vay của doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết được xác định như thế nào? (Hình từ Internet)
Quan hệ bảo lãnh hoặc cho vay vốn giữa hai doanh nghiệp có phải là quan hệ liên kết?
Căn cứ Công văn 238/TCT-TTKT 2024 quy định về Chính sách thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết của Tổng cục Thuế như sau:
... Trường hợp một doanh nghiệp (bao gồm cả tổ chức tín dụng là ngân hàng) bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào nếu thỏa mãn quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó, các giao dịch liên kết quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.
Như vậy, quan hệ liên kết được xác định khi một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện như sau:
+ Khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay;
+ Khoản vốn vay chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Nghị định 132 về giao dịch liên kết áp dụng cho đối tượng người nộp thuế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 và Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP có quy định người nộp thuế là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết thuộc một trong các trường hợp sau sẽ áp dụng Nghị định 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết:
- Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
- Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Theo đó, các bên có quan hệ liên kết nêu trên được quy định cụ thể như sau:
- Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
- Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
- Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
- Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
- Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
- Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
- Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;
- Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;
- Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia;
- Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lời chúc ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam 6 12 2024? Lời chúc kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam?
- Khẩu hiệu Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam 2024 ý nghĩa? Khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam 2024?
- 04 báo cáo lao động doanh nghiệp phải nộp trước khi kết thúc năm? Mẫu báo cáo lao động mới nhất?
- 03 trường hợp hợp tác xã ngừng hoạt động cho vay nội bộ? Điều kiện để hợp tác xã thực hiện hoạt động cho vay nội bộ là gì?
- Hợp tác xã giải thể thì quỹ chung không chia hình thành từ hỗ trợ của Nhà nước được bàn giao cho ai?