Chính thức chưa tăng lương cán bộ, công chức và LLVT trong năm 2025? Lương cơ sở năm 2025 thế nào?
Chính thức chưa tăng lương cán bộ, công chức và LLVT trong năm 2025? Lương cơ sở năm 2025 thế nào?
Đây là thông tin được nêu tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua tại chương trình kỳ họp thứ 8, diễn ra sáng nay, 13/11/2024.
Theo đó, Nghị quyết quyết nghị: Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2024, bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, đồng thời bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, gồm: Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (chi sự nghiệp quản lý hành chính); Bộ Giao thông Vận tải (chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề); Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình (chi sự nghiệp kinh tế).
Quốc hội cho phép, sử dụng 60.000 tỷ đồng (sáu mươi nghìn tỷ đồng) nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng (năm mươi nghìn, sáu trăm mười chín tỷ đồng) nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng (hai triệu, năm trăm bốn mươi tám nghìn, chín trăm năm mươi tám tỷ đồng).
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng (bốn trăm bảy mươi mốt nghìn, năm trăm tỷ đồng), tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Theo đó, Quốc hội quyết nghị sử dụng sử dụng 110.619 tỷ đồng tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương, địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang 2025 để thực hiện mức lương cơ sở; chưa tăng lương khu vực công, lương hưu năm 2025.
Cụ thể, về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Nghị quyết nêu rõ chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 34/2021/QH15.
Như vậy, năm 2025 vẫn thực hiện mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP); đồng thời chưa tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công.
Chính thức chưa tăng lương cán bộ, công chức và LLVT trong năm 2025? Lương cơ sở năm 2025 thế nào? (Hình từ internet)
Lương cơ sở theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP thế nào?
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định về lương cơ sở như sau:
- Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
+ Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 73/2024/NĐ-CP;
+ Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
+ Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
- Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương:
Thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
- Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở sau khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Cách tính lương cán bộ, công chức, viên chức và LLVT theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP thế nào?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BNV thì cách tính lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 8 và 9 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BNV như sau:
Căn cứ vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng quy định tại các văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP để tính mức lương, mức phụ cấp và mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) như sau:
Mức lương từ ngày 01/7/2024 = 2.340.000 đồng/tháng x hệ số lương hiện hưởng
Ví dụ: Hệ số lương hiện hưởng là 2.34 thì mức lương từ 1/7/2024 được tính như sau:
Mức lương từ 01/7/2024 = 2.340.000 đồng/tháng x 2.34 = 5.475.600 đồng/tháng
*Lưu ý: Mức lương nêu trên chưa bao gồm các khoản phụ cấp, thưởng...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhu cầu hỗ trợ của hợp tác xã mới nhất hiện nay là mẫu nào?
- Phiếu đánh giá xếp loại viên chức ngành y tế mới nhất? Hướng dẫn cách ghi phiếu đánh giá xếp loại viên chức ngành y tế?
- Hướng dẫn về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất bởi Tổng cục Thuế tại Công văn 5516/TCT-CS thế nào?
- Mức hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trang thiết bị cho hợp tác xã từ nguồn vốn đầu tư công? Hình thức hỗ trợ?
- Hướng dẫn phân loại dự án đầu tư xây dựng theo Nghị định 15? Giai đoạn kết thúc xây dựng gồm các công việc nào?