Chương trình mục tiêu quốc gia được lập và giao kế hoạch như thế nào từ trung ương đến địa phương? Người dân có được tham gia, đóng góp ý kiến không?
Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm được lập và giao kế hoạch như thế nào?
Theo Điều 5, Điều 6 Nghị định 27/2022/NĐ-CP thì việc lập vào giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm được chia thành 02 cấp sau:
(1) Cấp quốc gia:
- Việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại Chương II Luật Đầu tư công.
- Việc lập kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
- Chủ chương trình chủ trì, phối hợp với chủ dự án thành phần và các cơ quan có liên quan lập kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Nội dung đề xuất kế hoạch bao gồm:
+ Dự kiến phương án giao mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung trọng tâm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan chủ quản chương trình.
+ Phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương gồm tổng số vốn, cơ cấu vốn ngân sách trung ương từng năm hỗ trợ cơ quan chủ quản chương trình.
+ Đề xuất giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia, báo cáo cấp có thẩm quyền.
- Ngân sách trung ương cho cơ quan chủ quản chương trình.
(2) Cấp cơ quan chủ quản:
- Việc lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của cơ quan chủ quản chương trình được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm.
- Căn cứ lập kế hoạch:
+ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm của bộ, ngành và địa phương.
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm.
+ Hướng dẫn xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, hoạt động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của chủ chương trình, chủ dự án thành phần.
- Nội dung kế hoạch của địa phương:
+ Mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 5 năm; nhiệm vụ cụ thể theo dự án thành phần từng chương trình mục tiêu quốc gia.
+ Khả năng huy động vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án tại địa phương; vốn tín dụng; vốn huy động hợp pháp khác (nếu có).
+ Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
+ Nội dung, hoạt động, dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động; tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù; danh mục dự án đầu tư ưu tiên (nếu có).
+ Giải pháp huy động nguồn vốn, tổ chức thực hiện.
- Nội dung kế hoạch của bộ, cơ quan trung ương:
+ Nội dung, nhiệm vụ, hoạt động, dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động; danh mục dự án đầu tư (nếu có).
+ Giải pháp tổ chức thực hiện.
- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia, các cơ quan chủ quản chương trình lập, phê duyệt, giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.
Theo đó, kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của quốc gia sẽ được thực hiện theo Luật Đầu tư công. Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ được lập sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm.
Chương trình mục tiêu quốc gia được lập và giao kế hoạch như thế nào từ trung ương đến địa phương? Người dân có được tham gia, đóng góp ý kiến không?
Chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm được lập và giao kế hoạch như thế nào?
Việc lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm được thực hiện theo Điều 7 Nghị định 27/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 7. Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm
1. Việc lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và các cấp tại địa phương thực hiện cùng thời điểm lập kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội, kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
2. Nội dung kế hoạch của địa phương
a) Đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm thực hiện.
b) Dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể kế hoạch năm kế tiếp theo từng nội dung, dự án thành phần.
c) Dự kiến nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án tại địa phương; vốn tín dụng; vốn huy động hợp pháp khác (nếu có).
d) Dự kiến mức vốn bố trí thực hiện nội dung, hoạt động; danh mục dự án đầu tư, tỷ lệ dự án đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù.
đ) Giải pháp quản lý và tổ chức thực hiện.
3. Nội dung kế hoạch của bộ, cơ quan, trung ương
a) Đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm thực hiện.
b) Nội dung, nhiệm vụ, hoạt động, dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động kế hoạch năm sau; danh mục dự án đầu tư (nếu có)
c) Giải pháp tổ chức thực hiện.
4. Căn cứ, trình tự lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm của bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Đối với lập kế hoạch thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và có sự tham gia thực hiện của người dân trên địa bàn cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
5. Giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm
a) Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chủ quản chương trình kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm sau bao gồm tổng số vốn và cơ cấu vốn ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp); mục tiêu, chỉ tiêu từng chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công.
b) Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương phải hoàn thành việc giao mục tiêu, nhiệm vụ; dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi tiết theo dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp, nguồn vốn trong nước, ngoài nước; danh mục dự án đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công”
Theo đó, việc lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải được thực hiện cùng thời điểm với việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách hằng năm.
Người dân có được tham gia vào việc lập kế hoạch thực hiện các chương trình quốc gia hay không?
Việc tham gia lập kế hoạch thực hiện các chương trình quốc gia của người dân được quy định tại Điều 8 Nghị định 27/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 8. Phương pháp lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng
1. Yêu cầu về lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng
a) Quá trình lập kế hoạch được thực hiện công khai, minh bạch đảm bảo phát huy dân chủ tại cơ sở, bình đẳng giới và có sự tham gia của chính quyền, đại diện các tổ chức đoàn thể, đại diện cộng đồng dân cư cư trú trên địa bàn cấp xã.
b) Cộng đồng dân cư được đề xuất và tham gia ý kiến vào kế hoạch thực hiện nội dung, hoạt động, dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn cấp xã.
2. Nội dung kế hoạch
a) Nội dung, hoạt động, danh mục dự án đầu tư.
b) Khả năng huy động vốn: Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, huy động từ cộng đồng dân cư; các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).
c) Giải pháp tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm các bên tham gia.
3. Trình tự lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng
a) Căn cứ hướng dẫn và thông báo dự kiến vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo rộng rãi tới cộng đồng dân cư tại thôn, bản, ấp, khóm, sóc và tương đương (được gọi là thôn) và các tổ chức đoàn thể, các bên có liên quan về mục tiêu, dự kiến các hoạt động, hình thức hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn xã.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn các Ban phát triển thôn tổ chức họp cộng đồng dân cư để thống nhất nội dung đề xuất nhu cầu thực hiện các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
c) Ban phát triển thôn rà soát, tổng hợp nhu cầu của cộng đồng dân cư gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức họp với Ban phát triển thôn, các tổ chức đoàn thể để thảo luận, thống nhất về các nội dung, hoạt động đưa vào kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã, làm rõ các khoản đóng góp, khả năng tham gia của cộng đồng dân cư.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn thiện kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã phê duyệt trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau cấp xã, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp.”
Theo đó, Ủy bản nhân dân cấp xã sẽ căn cứ vào thông báo và dự kiến vốn ngân sách nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hướng dẫn cộng đồng dân cư thống nhất nhu cầu, đề xuất thực hiện các hoạt động trong chương trình mục tiêu quốc gia. Cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã sẽ cử người đại diện tham gia vào quá trình lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?