Có được sử dụng trực tiếp nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trích lập Quỹ phát triển đất?
- Có được sử dụng trực tiếp nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trích lập Quỹ phát triển đất?
- Nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất địa phương sẽ không được dùng để chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư?
- Hoàn trả vốn ứng từ Quỹ phát triển đất địa phương sẽ sử dụng từ nguồn nào?
- Kho bạc nhà nước sẽ kiểm soát các khoản chi hoạt động bộ máy của Quỹ phát triển đất địa phương theo cơ chế tự chủ tài chính?
Có được sử dụng trực tiếp nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trích lập Quỹ phát triển đất?
Theo Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 40/2010/QĐ-TTg thì hàng năm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được trích từ 30% đến 50% từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, thành phố (sau khi trừ các khoản chi để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí có liên quan khác) để thành lập Quỹ phát triển đất.
Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015:
Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Đồng thời, khoản 4 Điều 3, Điều 41, Điều 42 Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cấp vốn điều lệ của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (trong đó có Quỹ phát triển đất).
Theo đó, Công văn 8114/BTC-QLCS năm 2022 về hoạt động của Quỹ phát triển đất của địa phương hướng dẫn như sau:
Không sử dụng trực tiếp nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trích lập Quỹ phát triển đất.
Việc sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp vào ngân sách nhà nước) để hỗ trợ vốn điều lệ, cấp vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015), pháp luật về đầu tư công (khoản 4 Điều 3, Điều 41, Điều 42 Nghị định 40/2020/NĐ-CP).
Hướng dẫn rà roát 04 vấn đề nguồn vốn của Quỹ phát triển đất địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tài chính? (Hình từ Internet)
Nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất địa phương sẽ không được dùng để chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư?
Căn cứ theo quy định tại Điều 111 Luật Đất đai năm 2013, Điều 6 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định các nội dung ứng vốn của Quỹ phát triển đất; trong đó đối với nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì Quỹ phát triển đất chỉ được ứng vốn cho Tổ chức được nhận vốn ứng để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Do đó, tại Công văn 8114/BTC-QLCS năm 2022 về hoạt động của Quỹ phát triển đất của địa phương, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không sử dụng nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất địa phương để trực tiếp chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chỉ được thực hiện ứng vốn theo quy định nêu trên.
Hoàn trả vốn ứng từ Quỹ phát triển đất địa phương sẽ sử dụng từ nguồn nào?
Theo quy định tại Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 40/2010/QĐ-TTg thì đối với vốn ứng để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch sau đó đấu giá quyền sử dụng đất thì được hoàn trả từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Tuy nhiên, quy định có sự thay đổi theo khoản 1 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định:
Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (trong đó có tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất) được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện.
Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Tại khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước gồm tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước; tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Đồng thời, khoản 1 Điều 15 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, khoản 1 Điều 13 Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định thì trường hợp Quỹ phát triển đất ứng vốn cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất do ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Theo các quy định nêu trên, Công văn 8114/BTC-QLCS năm 2022 về hoạt động của Quỹ phát triển đất của địa phương, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
Toàn bộ số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất phải được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước; do đó không được sử dụng trực tiếp nguồn thu này để hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước. Việc hoàn trả vốn ứng (chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch) cho Quỹ phát triển đất do ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền giao).
Kho bạc nhà nước sẽ kiểm soát các khoản chi hoạt động bộ máy của Quỹ phát triển đất địa phương theo cơ chế tự chủ tài chính?
Tại Điều 17 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 40/2010/QĐ-TTg quy định: Quỹ thực hiện theo cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu tự bảo đảm một phần hoặc bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động. Đồng thời, theo Điều 6 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì Quỹ phát triển đất được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Quỹ phát triển đất là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 39 Nghị định 163/2016/NĐ-CP quy định:
Các đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, chịu sự kiểm tra của cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước trong quá trình thanh toán, sử dụng kinh phí.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 23 Nghị định 60/2021/NĐ-CP như sau:
- Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ; -- Các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gồm: kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý.
Do vậy, căn cứ theo các quy định trên, Công văn 8114/BTC-QLCS năm 2022 về hoạt động của Quỹ phát triển đất của địa phương, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
- Nguồn vốn của Quỹ phát triển đất do ngân sách nhà nước cấp, hỗ trợ hoặc thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; các khoản thu không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng.
- Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát các khoản chi hoạt động bộ máy của Quỹ phát triển đất theo cơ chế tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách (nếu có); không bao gồm các nội dung chi ứng vốn và hoàn trả vốn ứng của Quỹ phát triển đất.
Như vậy, không được sử dụng trực tiếp nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trích lập Quỹ phát triển đất.
- Điều 17 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 40/2010/QĐ-TTg
- khoản 1 Điều 13 Nghị định 46/2014/NĐ-CP
- khoản 1 Điều 15 Nghị định 45/2014/NĐ-CP
- khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019
- khoản 4 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015
- Điều 6 Nghị định 43/2014/NĐ-CP
- Điều 111 Luật Đất đai năm 2013
- Công văn 8114/BTC-QLCS năm 2022
- Điều 42 Nghị định 40/2020/NĐ-CP
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Điều lệ Đảng là gì? 06 nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Sáp nhập các ban Đảng như thế nào? Phương án sắp xếp, sáp nhập các cơ quan Đảng Trung ương ra sao?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng là gì? 03 hình thức khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng?
- Queen never cry là gì? Đu trend Queen never cry (Nữ hoàng không bao giờ khóc) trên mạng xã hội cần lưu ý điều gì?
- Công điện 124/2024 tăng cường đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm 2024 thế nào?