Có thể làm nhiều hơn một con dấu doanh nghiệp không? Doanh nghiệp có bắt buộc phải thông báo sử dụng con dấu doanh nghiệp với cơ quan nhà nước không?
Có thể làm nhiều hơn một con dấu doanh nghiệp không?
Căn cứ Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về dấu của doanh nghiệp như sau:
Dấu của doanh nghiệp
1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Theo quy định này, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp, tuy nhiên, trên con dấu phải thể hiện những tiêu thức về tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp có thể làm nhiều hơn một con dấu.
Có thể làm nhiều hơn một con dấu doanh nghiệp không? Hồ sơ đăng ký thêm con dấu gồm những gì?
Doanh nghiệp có bắt buộc phải thông báo sử dụng con dấu doanh nghiệp với cơ quan nhà nước không?
Trước đây, tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định như sau:
Con dấu của doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:
a) Tên doanh nghiệp;
b) Mã số doanh nghiệp.
2. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo như quy định trước đây, mặc dù doanh nghiệp vẫn có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung dung con dấu doanh nghiệp. Nhưng trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ qua đăng ký kinh doanh và công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành và thay thế hiệu lực của Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, việc sử dụng con dấu hiện nay của doanh nghiệp được thực hiện theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020.
Theo đó, doanh nghiệp không còn phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu với cơ qua đăng ký kinh doanh và công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp như quy định trước đây.
Quy định về quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp trước đây như thế nào?
Căn cứ vào Điều 15 Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định như sau
Quản lý và sử dụng con dấu
1. Các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp cho doanh nghiệp mà không phải thực hiện thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp.
2. Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 làm con dấu mới theo quy định tại Nghị định này thì phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Cơ quan công an cấp giấy biên nhận đã nhận lại con dấu tại thời điểm tiếp nhận lại con dấu của doanh nghiệp.
3. Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 bị mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì doanh nghiệp được làm con dấu theo quy định tại Nghị định này; đồng thời thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
4. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Làm con dấu lần đầu sau khi đăng ký doanh nghiệp;
b) Thay đổi số lượng, nội dung, hình thức mẫu con dấu và mầu mực dấu;
c) Hủy mẫu con dấu.
5. Trình tự, thủ tục và hồ sơ thông báo mẫu con dấu thực hiện theo quy định về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, trước đây việc quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định trên. Tuy nhiên, quy định này đã không còn hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2021.
Do đó, hiện nay việc quản lý và lưu giữ dấu được thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo Nghị định 143/2024 thế nào?
- Người đưa hối lộ để làm sai lệch giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi có bị vi phạm pháp luật không?
- Tai nạn giao thông là gì? Mẫu bản tường trình tai nạn giao thông đường bộ mới nhất hiện nay? Tải mẫu?
- Mã QR là gì? Mức phạt hành chính tội đánh tráo mã QR để chiếm đoạt tiền của người khác là bao nhiêu?
- Cán bộ công chức có phải thực hiện kê khai tài sản, tài khoản ở nước ngoài của vợ/chồng hay không?