Công văn 252 thực hiện Thông tư 01 2025 TT BYT về giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế?
Công văn 252 thực hiện Thông tư 01 2025 TT BYT về giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế?
Ngày 14/01/2025, Bộ Y tế đã có Công văn 252/BYT-BH năm 2025 về việc thực hiện Thông tư 01/2025/TT-BYT, trong đó có quy định về về giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cụ thể, Công văn 252/BYT-BH năm 2025 về việc thực hiện Thông tư 01/2025/TT-BYT như sau:
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, qua phản ánh của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) và người tham gia BHYT liên quan đến việc thực hiện các quy định về thủ tục KBCB BHYT, phiếu chuyển cơ sở KBCB BHYT của Thông tư, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng các quy định của Thông tư như sau:
(1) Điểm đ khoản 5 Điều 15 của Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định: “Các mẫu giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP được tiếp tục sử dụng đến khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoàn thành việc cập nhật và gửi dữ liệu thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo mẫu Phiếu hẹn khám lại và Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định tại Thông tư này nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 12 năm 2025. ”.
Như vậy, trong quá trình cập nhật, hoàn thiện phần mềm, cả hai mẫu phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư 01/2025/TT-BYT và giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP đều được tiếp tục sử dụng đồng thời, có giá trị như nhau để làm căn cứ KBCB BHYT, thanh toán chi phí KBCB BHYT và không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở KBCB nơi chuyển người bệnh đi để xin cấp lại phiếu chuyển cơ sở KBCB theo mẫu mới.
Đồng thời, đề nghị các cơ sở KBCB khẩn trương cập nhật, hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động KBCB BHYT để cấp phiếu hẹn khám lại và phiếu chuyển cơ sở KBCB BHYT, cập nhật và gửi dữ liệu thanh toán chi phí KCB BHYT theo mẫu mới.
(2) Điểm c khoản 5 Điều 15 của Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định: “Giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được sử dụng đến hết thời hạn có giá trị sử dụng của giấy theo quy định tại Thông tư này, trường hợp giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch hết thời hạn có giá trị sử dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 mà người bệnh vẫn đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì giấy chuyển tuyến được sử dụng đến hết đợt điều trị; ”
Do đó, đối với các giấy chuyển tuyến đối với các bệnh, nhóm bệnh quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng 01 năm kể từ ngày ký theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 15 Thông tư 01/2025/TT-BYT hoặc được sử dụng hết đợt điều trị trong trường hợp giấy chuyển tuyến theo năm dương lịch hết thời hạn sử dụng kể từ ngày 01/01/2025.
(3) Tên cơ quan chủ quản ghi trên Phiếu hẹn khám lại, Phiếu chuyển cơ sở KBCB BHYT được ghi phù hợp với tên cơ quan chủ quản của cơ sở KBCB. Ví dụ: Cơ sở KBCB thuộc Sở Y tế ghi đơn vị chủ quản là Sở Y tế, cơ sở KBCB thuộc sự quản lý của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện ghi đơn vị chủ quản là UBND huyện, bệnh viện tư nhân trực thuộc Công ty A thì ghi cơ quan chủ quản là công ty A.
(4) Đối với Giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến được cấp trước ngày Thông tư 01/2025/TT-BYT có hiệu lực và được tiếp tục sử dụng thì không bắt buộc phải ghi lại mã bệnh và ghi lại thời hạn chuyển cơ sở KBCB trong 01 năm trong giấy đã cấp. Cơ sở KBCB BHYT nơi tiếp nhận người bệnh căn cứ vào tên bệnh trong giấy chuyển tuyến của người bệnh đã được chuyển tuyến theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT để xác định đúng mã bệnh và quyền lợi cho người bệnh.
(5) Từ ngày 01/01/2025, trường hợp cấp mới phiếu chuyển cơ sở KBCB BHYT phải theo tên bệnh, mã bệnh ban hành kèm theo phụ lục III của Thông tư 01/2025/TT-BYT để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và thực hiện các quy định về giám định, thanh toán chi phí KBCB BHYT.
(6) Bộ Y tế đề nghị:
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giám định, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT, trong đó có nội dung thanh toán chi phí KBCB BHYT theo cả hai mẫu phiếu (mẫu mới và mẫu cũ) trong thời gian chuyển giao.
- Sở Y tế phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở KBCB trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT.
- Các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai các quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT và các nội dung nêu trên để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và thực hiện đúng quy định hiện hành.
Bộ Y tế kính gửi các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện.
Công văn 252 thực hiện Thông tư 01 2025 TT BYT về giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế? (Hình từ Internet)
Quy định tự đi khám bệnh không đúng tuyến, được thanh toán BHYT theo khoản 3 Điều 22 Luật BHYT mới ra sao?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định trường hợp lưu trú, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024.
Cụ thể, người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản khi khám bệnh, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu do thay đổi nơi tạm trú, nơi lưu trú thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản phù hợp với nơi tạm trú, lưu trú mới và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế 2008.
Theo đó, trường hợp lưu trú, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 như sau:
(1) Trường hợp lưu trú được khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế 2008 là trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú theo quy định của pháp luật về cư trú bao gồm:
- Người đi công tác đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là tỉnh) khác;
- Học sinh, sinh viên, học viên học tập tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, tết tại gia đình hoặc trong thời gian thực hành, thực tập, đi học tại tỉnh khác;
- Người lao động tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép tại gia đình;
- Người làm việc lưu động tại tỉnh khác;
- Người đi đến tỉnh khác để thăm thành viên gia đình theo quy định tại khoản 16 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
(2) Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú được thực hiện như sau:
- Người tham gia bảo hiểm y tế thuộc các trường hợp thay đổi nơi lưu trú quy định trên và trường hợp thay đổi nơi tạm trú thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 28 của Luật Bảo hiểm y tế 2008 và Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP;
- Trường hợp thay đổi nơi lưu trú quy định tại mục (1), người tham gia bảo hiểm y tế còn phải thực hiện thủ tục quy định tại mục (3);
- Trường hợp thay đổi nơi tạm trú, người tham gia bảo hiểm y tế còn phải thực hiện thủ tục quy định tại mục (4).
(3) Trường hợp thay đổi nơi lưu trú quy định tại mục (1), người tham gia bảo hiểm y tế xuất trình cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giấy tờ về việc thay đổi nơi lưu trú như sau:
- Văn bản cử đi công tác và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đối với trường hợp người đi công tác đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là tỉnh) khác;
- Thẻ học sinh, sinh viên, học viên và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đối với trường hợp Học sinh, sinh viên, học viên học tập tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, tết tại gia đình hoặc trong thời gian thực hành, thực tập, đi học tại tỉnh khác;
- Văn bản về việc nghỉ phép có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý người tham gia bảo hiểm y tế và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đối với trường hợp người lao động tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép tại gia đình;
- Văn bản cử hoặc phân công nhiệm vụ làm việc lưu động của cơ quan, đơn vị quản lý người tham gia bảo hiểm y tế và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đối với trường hợp người làm việc lưu động tại tỉnh khác;
- Giấy tờ thể hiện quan hệ thành viên gia đình theo pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đối với trường hợp Người đi đến tỉnh khác để thăm thành viên gia đình nêu trên.
(4) Trường hợp thay đổi nơi tạm trú, người tham gia bảo hiểm y tế xuất trình cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế một trong các giấy tờ chứng minh thông tin về thay đổi nơi tạm trú gồm phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền cho người đăng ký tạm trú về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú hoặc thông tin về đăng ký tạm trú trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
Thủ tục hẹn khám lại ra sao?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định về thủ tục hẹn khám lại như sau:
Người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hẹn khám lại trong trường hợp cần tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh hoặc kiểm tra lại kết quả của đợt khám, điều trị đó theo yêu cầu chuyên môn theo thủ tục sau đây:
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ghi nội dung, lịch hẹn khám lại trong Phiếu hẹn khám lại (bản giấy hoặc bản điện tử) theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 01/2025/TT-BYT hoặc ghi trong đơn thuốc, giấy ra viện (bản giấy hoặc bản điện tử) cho người bệnh (gọi chung là Phiếu hẹn khám lại).
- Phiếu hẹn khám lại bản giấy có đóng dấu treo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên góc trái, phía trên và chữ ký của bác sỹ điều trị. Phiếu hẹn khám lại bản điện tử có chữ ký số của bác sỹ điều trị. Mỗi Phiếu hẹn khám lại chỉ sử dụng 01 (một) lần.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ghi nội dung, lịch hẹn vào sổ lịch hẹn khám lại hoặc trên dữ liệu điện tử của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để theo dõi, đối chiếu khi cần thiết.
- Người bệnh có trách nhiệm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đúng thời gian ghi trên Phiếu hẹn khám lại. Trường hợp người bệnh không thể đến đúng thời gian hẹn thì cần liên hệ với bác sỹ điều trị hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để đặt lịch hẹn khác phù hợp.
- Số lần hẹn khám lại được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn sau mỗi lượt khám bệnh, chữa bệnh. Chỉ được hẹn khám lại một lần sau khi kết thúc một đợt điều trị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu chương trình đại hội chi bộ không có trù bị là mẫu nào? Tải về mẫu chương trình đại hội chi bộ không có trù bị?
- Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giành chính quyền cách mạng giai đoạn 30 - 45 theo Hướng dẫn 175?
- Tổng hợp 06 mẫu phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật đảng viên mới nhất theo Hướng dẫn 05? Khi nào kỷ luật cách chức?
- Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thế nào? Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học ra sao?
- Viết bài văn về bạo lực học đường ngắn gọn? Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường như thế nào?