Đánh giá rủi ro về rửa tiền là do ai thực hiện? Có bao nhiêu mức độ phân loại khách hàng có rủi ro về rửa tiền?
Việc thực hiện báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền do ai thực hiện?
Căn cứ Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy định như sau:
Đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo
1. Đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền. Kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo phải được cập nhật hằng năm. Trường hợp đối tượng báo cáo là tổ chức, kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền phải được phê duyệt theo quy định nội bộ của đối tượng báo cáo.
2. Đối tượng báo cáo phải báo cáo kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hoàn thành đối với đối tượng báo cáo là cá nhân hoặc được phê duyệt đối với đối tượng báo cáo là tổ chức. Kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền phải được phổ biến trong toàn hệ thống của đối tượng báo cáo.
3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo.
Theo đó, thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền là do đối tượng báo cáo được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thực hiện.
Kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo phải được cập nhật hằng năm. Đồng thời kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hoàn thành đối với đối tượng báo cáo là cá nhân hoặc được phê duyệt đối với đối tượng báo cáo là tổ chức.
Đánh giá rủi ro về rửa tiền là do ai thực hiện? Có bao nhiêu mức độ phân loại khách hàng có rủi ro về rửa tiền? (Hình từ Internet)
Việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền được thực hiện theo mấy mức độ?
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy định như sau:
Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền
1. Căn cứ kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền quy định tại Điều 15 của Luật này, đối tượng báo cáo xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền bao gồm cả việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng.
So sánh với quy định hiện hành chỉ có 2 mức độ rủi ro cao và thấp (Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012) thì quy định mới đã sửa đổi quy định. Theo đó, việc phân loại khách hàng theo 03 mức độ rủi ro về rửa tiền bao gồm cao, trung bình, thấp.
Đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tương ứng nào đối với 3 mức độ rủi ro?
Căn cứ nội dung khoản 2 Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy định như sau:
Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền
...
2. Đối tượng báo cáo áp dụng các biện pháp tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng theo quy định sau đây:
a) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, đối tượng báo cáo có thể thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ sau lần đầu thiết lập quan hệ với khách hàng;
b) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình, đối tượng báo cáo phải nhận biết khách hàng quy định tại Điều 9 của Luật này;
c) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao, ngoài các biện pháp quy định tại điểm b khoản này, đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp tăng cường bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng tăng cường và giám sát chặt chẽ các giao dịch của khách hàng.
Theo đó, đối tượng báo cáo áp dụng các biện pháp tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng theo quy định sau đây:
- Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, đối tượng báo cáo có thể thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ sau lần đầu thiết lập quan hệ với khách hàng;
- Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình, đối tượng báo cáo phải nhận biết khách hàng quy định tại Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022
- Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao, ngoài các biện pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp tăng cường bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng tăng cường và giám sát chặt chẽ các giao dịch của khách hàng.
Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?
- Thông tin chi tiết trong cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng gồm những gì? Thông tin này có phải là dữ liệu mở?
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?