Đi đăng ký thường trú thì có bắt buộc phải nộp giấy xác nhận không tranh chấp nhà đất hay không? Thủ tục đăng ký thường trú ra sao?
Giấy xác nhận không tranh chấp đất là gì? Lấy ở đâu?
Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 xác định:
Giải thích từ ngữ
...
24. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Từ khái niệm này, có thể suy ra: Nếu một mảnh đất không tồn tại sự tranh chấp, mâu thuẫn về quyền, nghĩa vụ, về tài sản gắn liền với đất, mục đích sử dụng đất,... giữa hai hoặc nhiều chủ thể thì khi đó có thể xác định mảnh đất đó là "đất không có tranh chấp".
Theo đó, giấy xác nhận không tranh chấp đất (hoặc "Giấy xác nhận đất không có tranh chấp) là văn bản được dùng để chứng minh đất không có tranh chấp theo như nội dung nêu trên.
Hiện nay, giấy xác nhận không tranh chấp đất được cấp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
Đi đăng ký thường trú thì có bắt buộc phải nộp giấy xác nhận không tranh chấp nhà đất hay không? Thủ tục đăng ký thường trú ra sao? (Hình từ Internet)
Có bắt buộc phải nộp giấy xác nhận không tranh chấp nhà đất với vợ hoặc chồng khi đăng ký thường trú không?
Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2020 và khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 có đề cập đến điều kiện đăng ký thường trú như sau:
Điều kiện đăng ký thường trú
1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.
Bên cạnh đó, Điều 23 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:
Địa điểm không được đăng ký thường trú mới
1. Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
2. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
3. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
5. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo các quy định trên, thì nhà ở đang có tranh chấp sẽ không được đăng ký thường trú mới. Việc nộp giấy xác nhận không tranh chấp nhà đất mang tính chất đảm bảo nhà nơi đăng ký thường trú không thuộc trường hợp tranh chấp.
Khi thực hiện đăng ký thường trú thuộc 01 trong 2 trường hợp tại khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2020 và khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 thì không bắt buộc phải có giấy xác nhận không tranh đất.
Thủ tục đăng ký thường trú ra sao?
Căn cứ theo nội dung tại Điều 22 Luật Cư trú 2020, thủ tục đăng ký thường trú được quy định như sau:
Thủ tục đăng ký thường trú
1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Theo đó, để thực hiên đăng ký thường trú thì bạn cần phải thực hiện theo thủ tục nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản kiểm phiếu bầu cử trong Đảng?
- Mẫu biên bản ký kết thi đua dùng cho Chi bộ? Sinh hoạt chi bộ thường kỳ gồm có những nội dung gì?
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?