Điểm mới Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm mới nhất đáng chú ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Điểm mới Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm mới nhất đáng chú ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024.
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm mới nhất sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.
Một số điểm mới Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm mới nhất đáng chú ý như sau:
(1) Không quy định các trường hợp không được dạy thêm
Tại Điều 3 Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm quy định nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau:
- Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
- Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
- Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
- Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
- Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày.
Như vậy, so với hiện nay thì Dự thảo Thông tư không quy định các trường hợp không được dạy thêm như Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Theo Dự thảo Thông tư chỉ giữ lại 1/4 trường hợp không dạy thêm ở hiện nay là: "không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày".
Đồng nghĩa với việc, giáo viên công lập được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định.
Các trường hợp không được dạy thêm hiện nay như sau: - Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. - Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. - Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông. - Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: + Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; + Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. |
(2) Đề cao vai trò của tổ chuyên môn trong việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.
Tại Điều 4 Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường như sau:
- Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp. Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.
- Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
- Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
- Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp); báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.
Như vậy, so với hiện nay thì Dự thảo Thông tư đã đề cao vai trò của tổ chuyên môn trong việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận so với Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT
Tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường hiện nay như sau: - Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết. - Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh. - Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. - Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh. |
(3) Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được quy định rất chặt chẽ hơn so với hiện nay
Tại Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau:
- Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
+ Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
+ Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
- Giáo viên (bao gồm Phó Hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu sau:
+ Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định tại Điều 3 Thông tư này.
+ Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
- Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông).
Điều 6 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã bị bãi bỏ bởi Điều 1 Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019. Điều 6 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hết hiệu lực: ngày 01 tháng 7 năm 2016. |
(4) Quy định về thu và quản lý tiền học thêm
Tại Điều 6 Dự thảo Thông tư quy định về thu và quản lý tiền học thêm như sau:
- Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
- Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
- Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Xem thêm: Toàn văn Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm mới nhất tải.
Điểm mới Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm mới nhất đáng chú ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo? (Hình từ Internet)
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm là gì?
Căn cứ theo Điều 1 Quy định ban hàn kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như sau:
- Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có thu tiền bao gồm: điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục tổ chức dạy thêm, học thêm; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
- Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm.
Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm thế nào?
Căn cứ theo Điều 16 Quy định ban hàn kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm như sau:
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
- Cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền.
- Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
- Tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi xảy ra sự kiện gì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường? Nội dung công bố thông tin định kỳ là gì?
- 15 thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân theo Nghị định 154/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Lời chúc ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam 6 12 2024? Lời chúc kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam?
- Khẩu hiệu Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam 2024 ý nghĩa? Khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam 2024?
- 04 báo cáo lao động doanh nghiệp phải nộp trước khi kết thúc năm? Mẫu báo cáo lao động mới nhất?