Điều kiện để xác định trích dẫn hợp lý tác phẩm không xâm phạm quyền tác giả được quy định như thế nào?
Theo quy định hiện nay, có những ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả nào?
Căn cứ quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau:
Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
a) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép;
b) Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;
c) Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm này;
d) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước;
đ) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu;
e) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;
g) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại;
h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó, không nhằm mục đích thương mại;
i) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng cá nhân, không nhằm mục đích thương mại;
k) Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền;
l) Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó;
m) Người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (sau đây gọi là người khuyết tật), người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ sử dụng tác phẩm theo quy định tại Điều 25a của Luật này.
2. Việc sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
3. Việc sao chép quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật, chương trình máy tính; việc làm tuyển tập, hợp tuyển các tác phẩm.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Ngoài ra, tại Điều 25a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 cũng đã quy định thêm các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật.
Như vậy, hiện nay, có các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như trên.
Điều kiện để xác định trích dẫn hợp lý tác phẩm không xâm phạm quyền tác giả được quy định như thế nào?
Điều kiện để xác định trích dẫn hợp lý tác phẩm không xâm phạm quyền tác giả là gì?
Căn cứ Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Tại đây
Tại Điều 28 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hướng dẫn về việc xác định trích dẫn hợp lý tác phẩm thuộc ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
Trích dẫn hợp lý tác phẩm
Trích dẫn hợp lý tác phẩm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.
2. Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
3. Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu tên tác giả được nêu trên tác phẩm sử dụng để trích dẫn.
Như vậy, theo quy định trên, trích dẫn tác phẩm được xem là hợp lý, không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.
Việc xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan dựa trên những căn cứ nào?
Căn cứ quy định tại Điều 64 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại các điều 28 và 35 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan: Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ; các đối tượng được bảo hộ quyền liên quan quy định tại Điều 17 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Có yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đối tượng bị xem xét.
3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, trừ trường hợp đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện hành vi xâm phạm với các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan còn lại và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 20, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 31 và các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ.
4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet mà người tiêu dùng hoặc người khai thác, sử dụng nội dung thông tin số tại Việt Nam.
Như vậy, việc xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan dựa trên 04 căn cứ nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?