Điều kiện được tham gia dự tuyển, dự thi và được cấp chứng chỉ quản lý năng lượng là gì? Người quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có nhiệm vụ gì?
Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có bắt buộc phải có người quản lý năng lượng?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 21/2011/NĐ-CP có quy định như sau:
Mô hình quản lý năng lượng
Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng mô hình quản lý năng lượng. Mô hình quản lý năng lượng được thực hiện theo các nội dung chính sau đây:
1. Công bố mục tiêu, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại cơ sở.
2. Xây dựng kế hoạch hàng năm và năm năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở; xây dựng và thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mục tiêu, chính sách và kế hoạch đã lập; quy định chế độ trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại cơ sở.
3. Có mạng lưới và người quản lý năng lượng theo tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
4. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị trên toàn bộ dây chuyền sản xuất, tình hình lắp đặt mới, cải tạo, sửa chữa thiết bị sử dụng năng lượng của cơ sở.
5. Thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng; đề xuất và lựa chọn thực hiện các giải pháp quản lý và công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
6. Định kỳ tổ chức đào tạo, tập huấn cho người lao động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
7. Có chế độ thưởng, phạt nhằm thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại cơ sở.
Theo đó, hiện nay pháp luật quy định cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng mô hình quản lý năng lượng, mà trong đó, người quản lý năng lượng là một trong những yêu cầu bắt buộc phải đảm bảo.
Điều kiện được tham gia dự tuyển, dự thi và được cấp chứng chỉ quản lý năng lượng là gì? Người quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có nhiệm vụ gì? (Hình từ Internet)
Điều kiện được tham gia dự tuyển, dự thi và được cấp chứng chỉ quản lý năng lượng là gì?
- Về điều kiện người tham gia dự tuyển, căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư 39/2011/TT-BCT quy định người tham gia dự tuyển khóa đào tạo quản lý năng lượng phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010.
Theo đó, người tham gia dự tuyển khóa đào tạo quản lý năng lượng có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành năng lượng, có ngành kỹ thuật liên quan đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng, hoạt động dịch vụ;
Hoặc có bằng tốt nghiệp từ trung cấp kỹ thuật liên quan trở lên đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải;
- Về điều kiện được dự thi để cấp chứng chỉ, căn cứ Điều 9 Thông tư 39/2011/TT-BCT quy định các đối tượng sau đây sẽ dược dự thi để cấp chứng chỉ quản lý năng lượng:
+ Học viên có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo quản lý năng lượng và đóng lệ phí theo quy định.
+ Đối tượng được dự thi để cấp chứng chỉ, không phải tham gia khóa đào tạo gồm:
++ Người tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành quản lý năng lượng;
++ Người có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về quản lý năng lượng;
- Về việc cấp chứng chỉ và công nhận, thừa nhận chứng chỉ, tại Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BCT có quy định như sau:
+ Người đạt kết quả trong kỳ thi do Bộ Công Thương tổ chức được cấp chứng chỉ có giá trị trên toàn quốc.
+ Người có chứng chỉ là người quản lý năng lượng do các tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc tổ chức quốc tế cấp mà có hiệp ước công nhận lẫn nhau thì được công nhận, thừa nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Người quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có nhiệm vụ gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010, quy định người quản lý năng lượng có trách nhiệm giúp người đứng đầu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng kế hoạch hằng năm và năm năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Tổ chức mạng lưới quản lý hoạt động sử dụng năng lượng, áp dụng mô hình quản lý năng lượng;
- Thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt;
- Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Theo dõi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thiết bị và toàn bộ dây chuyền sản xuất; sự biến động của nhu cầu tiêu thụ năng lượng liên quan đến việc lắp đặt mới, cải tạo, sửa chữa thiết bị sử dụng năng lượng; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định;
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn trong hoạt động sử dụng năng lượng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?