Điều kiện tách thửa đất ở và diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là bao nhiêu?
- Hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở tỉnh Quảng Bình là bao nhiêu?
- Việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp đất vườn, ao gắn liền với thửa đất đang có nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình?
- Diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với đất ở tỉnh Quảng Bình là bao nhiêu?
- Các trường hợp không áp dụng diện tích đất đối thiểu để được tách thửa đất tại tỉnh Quảng Bình?
Hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở tỉnh Quảng Bình là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 25/2014/QĐ-UBND, hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở tỉnh Quảng Bình được quy định như sau:
- Hạn mức giao đất ở không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
* Thành phố Đồng Hới:
+ Các phường: Đồng Mỹ, Hải Đình, Hải Thành, Phú Hải và Đồng Phú: 150 m2;
+ Các xã, phường còn lại: 200 m2.
* Thị xã Ba Đồn:
+ Phường Ba Đồn: 150 m2;
+ Các xã, phường còn lại: 250 m2.
* Tại các huyện:
+ Thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ: 150m2; các thị trấn còn lại: 200 m2;
+ Các xã vùng đồng bằng: 250 m2;
+ Các xã vùng trung du: 300 m2;
+ Các xã miền núi, vùng cao: 400 m2.
- Xã miền núi bao gồm các xã đã được công nhận tại các Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc.
- UBND các huyện có trách nhiệm rà soát, phân loại danh mục xã trung du, xã đồng bằng trên địa bàn huyện sau khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, trình UBND tỉnh quyết định công bố phân loại xã trung du, xã đồng bằng theo quy định hiện hành.
- Hạn mức giao đất ở thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy hoạch phân lô chi tiết sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân là bao nhiêu? Điều kiện để được tách thửa đất ở tại tỉnh Quảng Bình được quy định như thế nào?
Việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp đất vườn, ao gắn liền với thửa đất đang có nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình?
Căn cứ Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 25/2014/QĐ-UBND (sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 03/2016/QĐ-UBND), việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp đất vườn, ao gắn liền với thửa đất đang có nhà ở được thực hiện như sau:
- Trường hợp thửa đất có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng 05 lần hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này;
- Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai mà trên giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở hoặc trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai mà đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì diện tích đất ở được xác định như sau:
+ Trường hợp hộ gia đình có 01 (một) nhân khẩu thì được công nhận bằng 1(một) lần hạn mức giao đất theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này;
+ Trường hợp hộ gia đình có từ 2 (hai) đến 3 (ba) nhân khẩu thì được công nhận bằng 2 (hai) lần hạn mức giao đất theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này;
+ Trường hợp hộ gia đình có từ 4 (bốn) đến 5 (năm) nhân khẩu thì được công nhận bằng 3 (ba) lần hạn mức giao đất theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này;
+ Trường hợp hộ gia đình có từ 6 (sáu) nhân khẩu trở lên thì được công nhận bằng 4 (bốn) lần hạn mức giao đất theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này.
Nhân khẩu được tính để xác định hạn mức công nhận diện tích đất ở cho hộ gia đình sử dụng đất là nhân khẩu có tên trong sổ hộ khẩu của hộ gia đình sử dụng đất theo quy định tại khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai, áp dụng tại thời điểm đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đối với trường hợp đất đã sử dụng ổn định kể từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì diện tích đất ở được xác định theo mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này.
- Việc xác định nguồn gốc sử dụng đất của các thửa đất được tách ra từ các thửa đất ở có vườn, ao trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được căn cứ vào nguồn gốc, mốc thời gian của chủ sử dụng đất đầu tiên. Các trường hợp mua bán nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất gồm đất ở và đất vườn, ao hoặc đất vườn, ao đã xây dựng nhà ở ổn định trước ngày 01 tháng 7 năm 2004, không tranh chấp đều được xác định theo nguồn gốc sử dụng đất của chủ sử dụng ban đầu. Không áp dụng đối với các trường hợp phát sinh sau ngày 01 tháng 7 năm 2004.
- Trường hợp người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích đất ở theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 của Quy định này, nay thuộc đối tượng không phải nộp tiền sử dụng đất thì không được thoái thu tiền sử dụng đất.
Trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất để nhận giấy chứng nhận, nay nếu thuộc đối tượng không nộp tiền sử dụng đất theo diện tích đất ở quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 của Quy định này thì được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm chuyển lại thông tin địa chính để cơ quan thuế điều chỉnh thông báo nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở được xác định theo quy định này mà không phải nộp tiền sử dụng đất như đã thông báo.
Diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với đất ở tỉnh Quảng Bình là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 25/2014/QĐ-UBND, diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với đất ở tỉnh Quảng Bình được quy định như sau:
- Các thửa đất ở sau khi tách thửa hoặc thửa đất được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở phải đủ các điều kiện: diện tích tối thiểu là 40m2, hình thể thửa đất phải có đủ độ rộng để xây dựng ngôi nhà hình chữ nhật có kích thước chiều rộng tối thiểu là 4m và thuộc phạm vi được phép xây dựng nhà ở.
- Trường hợp người sử dụng đất đề nghị tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc đề nghị được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa.
- Đối với thửa đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư, người sử dụng đất thực hiện tách thửa do chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì phần diện tích tách thửa sang đất ở phải bảo đảm điều kiện về diện tích và kích thước theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Đối với đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, việc tách thửa thực hiện theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Trường hợp tách thửa để phân chia tài sản khi xét xử vụ án; tách thửa để phân chia tài sản thừa kế, ly hôn, hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.
- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác không thuộc thửa đất ở có vườn, ao sang đất ở thì phải thực hiện tách thửa trước khi chuyển mục đích. Việc tách thửa phải bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Khi chuyển mục đích một phần diện tích thửa đất nông nghiệp có nguồn gốc được tách ra từ thửa đất ở có vườn, ao sang đất ở thì người sử dụng đất không phải tách thửa khi chuyển mục đích. Diện tích tối thiểu và hình thể thửa đất được chuyển mục đích phải bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác không thuộc thửa đất ở có vườn, ao thì phải thực hiện tách thửa trước khi chuyển mục đích.
Các trường hợp không áp dụng diện tích đất đối thiểu để được tách thửa đất tại tỉnh Quảng Bình?
Căn cứ Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 25/2014/QĐ-UBND, không áp dụng quy định diện tích tối thiểu tách thửa đối với các trường hợp sau:
- Các giao dịch về quyền sử dụng đất có tách thửa đúng quy định pháp luật về đất đai, xây dựng đã được công chứng, chứng thực hoặc đã được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
- Các thửa đất được tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất.
- Bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
- Đất hiến tặng cho Nhà nước, đất cho tặng hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết.
Như vậy, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đất ở tại tỉnh Quảng Bình là 40m2. Ngoài điều kiện về diện tích tối thiểu được phép tách thửa, cần xác định đất có thuộc trường hợp không áp dụng diện tích đất đối thiểu để được tách thửa đất hay không.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 50 2024 quy định ngân hàng không gửi tin nhắn SMS thư điện tử có chứa link cho khách hàng từ ngày 1 1 2025?
- Thông tư 36/2024 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe thế nào?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất? Cách viết bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất chi tiết?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm các thông tin nào về dự án đầu tư xây dựng?
- Đu trend nhìn lên bầu trời sẽ thấy vì tinh tú có bị xử phạt hành chính không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?