Doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể phải nộp 0,03% tiền trốn đóng/ngày? Đề xuất 04 hình thức nào để xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH?
Hành vi nào được xem theo trốn đóng BHXH theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội?
Căn cứ Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. Tại Điều 43 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có xác định các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các hành vi sau:
1. Người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này.
2. Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định.
3. Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Theo đó, các hành vi trốn đóng BHXH theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian 05 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động đối với người lao động;
- Đã đăng ký tham gia BHXH cho người lao động nhưng chưa đóng hoặc đóng không đủ tiền khi đến thời hạn đóng tiền sau:
+ Trường hợp đóng hàng tháng: Ngày thứ 10 của tháng tiếp theo;
+ Trường hợp đóng 03 tháng/lần: Ngày cuối cùng của chu kỳ đóng;
+ Trường hợp đóng 06 tháng/lần: Ngày cuối cùng của tháng thứ 4;
+Trường hợp đóng 12 tháng/lần: Ngày cuối cùng của tháng thứ 7.
- Đăng ký và đóng BHXH thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Doanh nghiệp trốn đóng BHXH sẽ phải nộp 0,03% tiền trốn đóng/ngày? Đề xuất 04 hình thức xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH đúng không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể phải nộp 0,03% tiền trốn đóng/ngày?
Tại khoản 1 Điều 44 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội có xác định mức tiền lãi mà doanh nghiệp phải dóng khi trốn đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội
1. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 43 của Luật này nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng.
Theo đó, bên cạnh việc đóng đủ số tiền trốn đóng BHXH và bị xử lý vi phạm hành chính thì doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể phải nộp thêm một khoản tiền bằng 0.03% tiền trốn đóng BHXH cho mỗi ngày trốn đóng. Đây là một điểm mới so với quy định hiện nay.
Đối chiếu với khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hiện nay, việc xác định tiền lãi dựa trên lãi suất đầu tư BHXH bình quân của năm trước. Cụ thể như sau:
Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội
...
3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Theo đó, mức tiền lãi trốn đóng BHXH mà doanh nghiệp phải nộp hiện nay bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề.
Các hình thức xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội là gì?
Căn cứ Điều 44 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
Xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội
1. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 43 của Luật này nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng.
2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên.
3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
4. Sau khi thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tổ chức Công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện ra Toà án. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, dự kiến, việc xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH được thực hiện theo các hình thức sau:
- Đóng đủ số tiền trốn đóng BHXH, xử lý vi phạm hành chính, nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng.
- Ngừng sử dụng hóa đơn;
- Hoãn xuất cảnh;
- Khởi kiện ra Toà án, kiến nghị khởi tố theo quy định.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi trốn đóng BHXH mà người sử dụng lao động sẽ có thể đối diện với những hình thức xử lý khác nhau.
Xem toàn bộ Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội Tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty thông tin tín dụng thành lập thì tên công ty có cần phải thêm cụm từ thông tin tín dụng không?
- Ép buộc người lao động làm việc có được xem là cưỡng bức lao động theo quy định Bộ luật Lao động?
- Xây dựng bảng giá đất đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất như thế nào?
- Phân loại quy mô hợp tác xã có xét tiêu chí số lượng thành viên chính thức của hợp tác xã không?
- Phần mềm đóng gói là gì? Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp phần mềm?