Dự kiến sẽ bổ sung đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp? Sửa đổi quy định xác định thu nhập tính thuế TNDN khi chuyển nhượng bất động sản?
Bổ sung đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đúng không?
Nội dung này được đề xuất tại Tờ trình Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính lấy ý kiến đề xuất. Cụ thể như sau:
Tại Tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế, quyền đánh thuế được chia sẻ giữa quốc gia nơi doanh nghiệp cư trú và quốc gia nơi doanh nghiệp phát sinh thu nhập; giữa quốc gia nơi doanh nghiệp cư trú và quốc gia nơi doanh nghiệp có cơ sở thường trú.
Bộ Tài chính nêu rõ, tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 có quy định về khái niệm người nộp thuế, quy định về nguyên tắc nộp thuế của người nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam và ngoài Việt Nam và khái niệm về cơ sở thường trú.
Trong đó, việc xác định cơ sở thường trú được thực hiện theo các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với các nước; đối với các quốc gia chưa có Hiệp định thuế với Việt Nam thì áp dụng quy định về cơ sở thường trú theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008.
Về cơ bản, quy định này phù hợp với thực tế cũng như quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với các nước, đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam. Thực tiễn thực hiện thời gian qua cũng không phát sinh vướng mắc.
Tuy nhiên, thực tiễn quốc tế và cả trong nước gần đây đã cho thấy với sự phát triển của khoa học và công nghệ cùng với các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số xuyên biên giới, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không cần thông qua bất kỳ địa điểm hay cơ sở đại diện nào tại Việt Nam.
Trong nhiều trường hợp, việc chỉ dựa vào sự hiện diện vật lý của cơ sở thường trú để làm căn cứ cho việc thu thuế có thể tiềm ẩn nguy cơ gây xói mòn cơ sở thuế. Gần đây, tại Luật Quản lý thuế 2019 cũng đã bổ sung một nguyên tắc rất căn bản trong quản lý thuế đó là "bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế".
Hiện nay, trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với hơn 80 quốc gia đều thỏa thuận: đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam có quyền đánh thuế với doanh nghiệp nước ngoài nếu họ có hoạt động kinh doanh không qua cơ sở thường trú.
Do đó, nếu cơ sở thường trú theo quy định tại pháp luật thuế không bao hàm hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới thì trong quá trình thực hiện dễ có sự tranh chấp. Việc mở rộng khái niệm "cơ sở thường trú" sẽ tạo điều kiện điều chỉnh các Hiệp định, thực hiện quyền thu được thuế đối với các hoạt động này.
Trước bất cập trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phải nộp thuế tại Việt Nam đối với thu nhập từ hoạt động này, qua đó đảm bảo quyền đánh thuế và mở rộng cơ sở thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số xuyên biên giới phù hợp với thông lệ quốc tế, với pháp luật về quản lý thuế hiện hành.
Dự kiến sẽ bổ sung đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp? Sửa đổi quy định xác định thu nhập tính thuế TNDN khi chuyển nhượng bất động sản?
Sẽ sửa đổi quy định xác định thu nhập tính thuế TNDN khi chuyển nhượng bất động sản đúng không?
Tại Tờ trình dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đánh giá thực tiễn vấn đề thuế TNDN đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản như sau:
Điều 16 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013) quy định doanh nghiệp được bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa quy định trường hợp ngược lại (bù trừ một chiều), theo đó, trường hợp doanh nghiệp có lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản vẫn phải kê khai, nộp thuế riêng, không được bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên với sự phát triển kinh tế hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, bên cạnh đó hành lang pháp lý đã chặt chẽ, đồng thời với yêu cầu đặt ra về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì quy định doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế riêng đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Qua tham khảo kinh nghiệm của các nước cho thấy, bên cạnh một số ít quốc gia (như My-an-ma, Ba Lan, Nam Phi, Úc...) quy định không cho bù trừ lỗ, lãi giữa hoạt động kinh doanh chính với hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì nhiều quốc gia (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Phi-líp-pin,...) quy định cho bù trừ lỗ, lãi giữa các hoạt động này.
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế đối với trường hợp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản) cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Đề xuất bổ sung quy định về phương pháp tính thuế TNDN?
Tại Tờ trình Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Bộ Tài chính có ý kiến đánh giá thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 11 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 như sau:
Về nguyên tắc, thuế TNDN được tính toán dựa trên việc xác định thu nhập, lãi của doanh nghiệp (bằng doanh thu từ cung cấp hàng hóa, dịch vụ trừ đi chi phí bỏ ra để thực hiện việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ):
Điều 11 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định cụ thể về phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế có các trường hợp đặc thù mà doanh nghiệp và cơ quan quản lý không có đủ cơ sở để xác định chính xác các chi phí của hoạt động kinh doanh, qua đó có thể xác định được thu nhập làm cơ sở tính toán số thuế phải nộp.
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 hiện hành và văn bản hướng dẫn thì các doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, có thu nhập chịu thuế TNDN mà xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì thực hiện thu thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu (phương pháp nộp thuế đơn giản).
Gần đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhiều định hướng chính sách mới cũng đã được đưa ra theo hướng tiết giảm các chi phí và thủ tục hành chính không cần thiết cho các doanh nghiệp này.
Liên quan đến chính sách thuế, tại Điều 10 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 đã quy định: “Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán”.
Theo đó, trước vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi theo hướng:
- Luật hóa một số quy định đã thực hiện ổn định theo quy định của Chính phủ nhằm đảm bảo tính pháp lý ổn định lâu dài phương pháp thu thuế theo tỷ lệ % doanh thu đối với doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác trong trường hợp xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, trong đó quy định chi tiết tỷ lệ thu thuế phù hợp đối với từng loại hình có phát sinh vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua.
- Bổ sung quy định nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % doanh thu đối với doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán siêu nhỏ để góp phần khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp siêu nhỏ.
Xem toàn bộ Tờ trình Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi tại đây: tải
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?