Giá niêm yết là gì? Các tổ chức, cơ sở sản xuất không thực hiện niêm yết giá bị xử phạt như thế nào?
Giá niêm yết là gì? Tại sao phải niêm yết giá?
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Thông tư 116/2018/TT-BTC định nghĩa giá niêm yết là mức giá mà các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai đến khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam.
Niêm yết giá giúp bình ổn giá bán hàng hóa trên thị trường hiện nay. Tránh tình trạng các cửa hàng bán hàng với các mức giá khác nhau như tăng quá cao hoặc giảm quá thấp giá cả, mất cân bằng trên thị trường hiện nay.
Giá niêm yết được gắn với từng sản phẩm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng từ đó thiết lập trật tự trong hoạt động mua bán. Giúp cho các cơ quan quản lý thị trường quản lý được chặt chẽ hơn không để tình trạng bán phá giá hay bán giá quá cao so với thị trường.
Đồng thời việc niêm yết giá cũng thể hiện nét văn minh thương mại, là một giải pháp để hạn chế việc các cá nhân tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa lợi dụng tình hình bất thường về cung cầu để đầu cơ chuộc lợi làm bất ổn thị trường.
Chính vì vậy, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh cần phải thực hiện đúng quy định về giá niêm yết của pháp luật.
Đồng thời người cũng cần chú ý đến vấn đề này và phối hợp, liên hệ với cơ quan quản lý thị trường về các trường hợp vi phạm về giá niêm yết.
Giá niêm yết là gì? Các tổ chức, cơ sở sản xuất không thực hiện niêm yết giá bị xử phạt như thế nào? (Hình từ internet)
Cách thức niêm yết giá thị trường hiện nay?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định cách thức niêm yết giá như sau:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết.
Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.
- Đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng.
- Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.
Các địa điểm thực hiện giá niêm yết theo quy định của pháp luật?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định các địa điểm thực hiện niêm yết giá bao gồm:
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm).
- Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- Hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- Các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
Không niêm yết giá bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP) quy định như sau:
"Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;...”
Do đó, đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Nếu những hành vi này được lập lại nhiều lần; tái phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Điều này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (căn cứ điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?
- Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở nào? Nguyên tắc xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan?
- Quyết định 08/2024 về Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước thế nào? Toàn văn Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN?
- Sĩ quan sử dụng máy tính quân sự để kết nối vào mạng Internet làm lộ lọt thông tin thì xử lý như thế nào?
- Chế độ báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ Online Banking từ 1 1 2025 theo Thông tư 50 2024?