Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải đáp ứng những điều kiện được quy định như thế nào?
- Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải đáp ứng những điều kiện?
- Đề án, tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải có những nội dung gì?
- Hồ sơ và trình tự, thủ tục giải quyết việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp được quy định như thế nào?
Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải đáp ứng những điều kiện?
Căn cứ Điều 9 Thông tư 07/2022/TT-BTP có quy định như sau:
Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
1. Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và các điều kiện giải thể khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện giải thể sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các nghĩa vụ khác có liên quan và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.
Theo đó, để giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Có một trong các điều kiện quy định từ điểm a đến điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP như sau:
+ Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước;
+ Không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;
+ Ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền;
+ Thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng một trong các điều kiện quy định nêu trên còn cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đồng thời phải thỏa mãn các điều kiện giải thể khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải đáp ứng những điều kiện? (Hình từ Internet)
Đề án, tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải có những nội dung gì?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 120/2020/NĐ-CP có quy định chung áp dụng cho việc lập đề án, tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
Đề án, tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
1. Nội dung đề án giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:
a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc giải thể;
b) Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;
c) Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác liên quan (nếu có);
d) Quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và thời hạn xử lý.
2. Nội dung tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện như đối với tờ trình thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Theo đó, đề án, tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải có những nội dung sau:
- Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc giải thể;
- Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;
- Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác liên quan (nếu có);
- Quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và thời hạn xử lý.
Hồ sơ và trình tự, thủ tục giải quyết việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 120/2020/NĐ-CP có quy định chung về hồ sơ và trình tự, thủ tục giải quyết việc tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
- Hồ sơ tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:
+ Đề án tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Tờ trình tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) trong trường hợp giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
- Việc lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan; trình tự gửi và tiếp nhận hồ sơ; thẩm định; xử lý hồ sơ và thời hạn giải quyết việc tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như quy định đối với việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tư 07/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 19/12/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?