Giấy tờ có giá trị pháp lý sử dụng thông tin từ CMND, CCCD vẫn được giữ nguyên giá trị sử dụng từ 1/7/2024 đúng không?
Giấy tờ có giá trị pháp lý sử dụng thông tin từ CMND, CCCD vẫn được giữ nguyên giá trị sử dụng từ 1/7/2024 đúng không?
Tháng 7 năm 2024 sẽ áp dụng luật về căn cước mới, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2024.
Căn cứ Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:
Điều 46. Quy định chuyển tiếp
1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
3. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
4. Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Vậy, giấy tờ có giá trị pháp lý sử dụng thông tin từ CMND, CCCD vẫn được giữ nguyên giá trị sử dụng từ 1/7/2024. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Giấy tờ có giá trị pháp lý sử dụng thông tin từ CMND, CCCD vẫn được giữ nguyên giá trị sử dụng từ 1/7/2024 đúng không? (Hình từ Internet)
Thẻ căn cước có thay đổi gì so với thẻ căn cước công dân?
Theo Khoản 2 Điều 18 Luật căn cước 2023 quy định về thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm:
- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;
- Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;
- Ảnh khuôn mặt;
- Số định danh cá nhân;
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh;
- Quốc tịch;
- Nơi cư trú;
- Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;
- Nơi cấp: Bộ Công an.
Đồng thời, người được cấp thẻ căn cước theo Điều 19 Luật căn cước 2023 bao gồm:
- Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Như vậy, khi đổi từ thẻ CCCD sang thẻ Căn cước, tuy không đổi số thẻ đã cấp nhưng mẫu thẻ Căn cước được cấp từ ngày 01/7/2024 sẽ có một số thay đổi như sau:
- Tên thẻ đổi từ thẻ CCCD thành thẻ Căn cước.
- Thông tin chủ thẻ:
+ Cấp cho cả người dưới 14 tuổi;
+ Quê quán đổi thành Nơi đăng ký khai sinh;
+ Nơi thường trú đổi thành Nơi cư trú;
+ Không còn thể hiện dấu vân tay.
- Chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đổi thành Nơi cấp: Bộ Công an.
Giá trị sử dụng của thẻ căn cước theo Luật Căn cước 2023 là gì?
Theo Điều 20 Luật Căn cước 2023 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước như sau:
(1) Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
(2) Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
(3) Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước;
Trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.
(4) Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thành phần hồ sơ trong dịch vụ thông tin tín dụng là bản sao không có chứng thực thì công ty tín dụng có trách nhiệm gì?
- Soft OTP là gì? Soft OTP có mấy loại? Soft OTP phải đáp ứng yêu cầu gì theo Thông tư 50 2024?
- Bài phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tại ngày kỷ niệm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam hay, ý nghĩa?
- Mẫu biên bản họp tổng kết Chi bộ cuối năm mới nhất? Tải về mẫu biên bản họp tổng kết Chi bộ cuối năm ở đâu?
- Danh sách 5 bộ được đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động theo phương án tinh gọn bộ máy mới nhất?