Hành vi “găm” xăng dầu chờ tăng giá trong tình hình có biến động bất thường như hiện nay có bị xử phạt hay không?
"Găm” xăng dầu là gì?
Pháp luật không quy định về khái niệm “găm” xăng dầu. Tuy nhiên, “găm” xăng dầu có thể hiểu là hành vi có dấu hiệu đầu cơ tích trữ xăng, dầu. Cụ thể là khi các cửa hàng đồng loạt đóng cửa sớm, một số cây xăng đóng cửa không bán, số khác bán cầm chừng, nhỏ giọt, nhiều cửa hàng còn xăng nhưng tích trữ không bán cho người dân và có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá.
Xăng dầu có phải hàng hóa yêu cầu thực hiện bình ổn giá?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 15 Luật giá 2012 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như sau:
“Điều 15: Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá
…
2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm:
a) Xăng, dầu thành phẩm;”
Theo đó, xăng, dầu là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định pháp luật.
Hành vi “găm” xăng dầu chờ tăng giá trong tình hình có biến động bất thường như hiện nay có bị xử phạt hay không?
Tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng, dầu có hành vi “găm” xăng chờ tăng giá có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
Căn cứ Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng, dầu và khí như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không ghi hoặc không ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Căn cứ Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP), hành vi đầu cơ hàng hóa bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;
+ Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm trên
+ Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định như trên.
Ngoài ra, theo Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP), hành vi “găm” xăng, dầu thuộc danh mục bình ổn giá mà không có lý do chính đáng có thể bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Cắt giảm địa điểm bán hàng;
+ Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó;
+ Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó;
+ Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường;
+ Ngừng bán hàng hóa ra thị trường;
+ Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng;
+ Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, hành vi “găm” xăng, dầu không có lý do chính đáng nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng. Lưu ý, đây là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức (Điều 5 Nghị định 99/2020/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo tổng kết công tác mặt trận thôn, bản, khu phố? Hướng dẫn lập Báo cáo tổng kết công tác mặt trận?
- Báo cáo thành tích tập thể Ban công tác Mặt trận thôn? Tải về mẫu báo cáo thành tích tập thể Ban công tác Mặt trận?
- Thẩm quyền giám sát việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương? Nguyên tắc hoán đổi trái phiếu?
- Ngày 7 tháng 12 là ngày gì? Ngày 7 tháng 12 năm 2024 là ngày mấy âm lịch? Ngày 7 tháng 12 có sự kiện gì trên thế giới?
- Mẫu hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp là mẫu nào? Có phải chứng thực hợp đồng không?