Hộp xốp dùng một lần có bị đánh thuế bảo vệ môi trường không? Sẽ mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với vật liệu nhựa có đúng không?
Hộp xốp dùng một lần có bị đánh thuế bảo vệ môi trường không?
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 quy định 08 loại hàng hóa này được chia thành 05 nhóm đối tượng hàng hóa chịu thuế như sau:
Nhóm 1: Xăng, dầu, mỡ nhờn bao gồm xăng các loại (trừ ethanol), nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn;
Nhóm 2: Than đá (than nâu, than antraxit, than mỡ, than đá khác);
Nhóm 3: Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (Dung dịch HCFC);
Nhóm 4: Túi ni lông thuộc diện chịu thuế;
Nhóm 5: Thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.
Theo đó, hiện nay túi ni lông là vật liệu nhựa duy nhất đang chịu thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, tuy hộp xốp dùng là đồ nhựa dùng một lần, cũng như rất phổ biến và đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nhưng hiện nay thuế bảo vệ môi trường chưa điều chỉnh đối với loại hàng hóa này.
Hộp xốp dùng một lần có bị đánh thuế Bảo vệ môi trường không? Sẽ mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với vật liệu nhựa có đúng không? (Hình từ Internet)
Sẽ mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với vật liệu nhựa có đúng không?
Tại Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ có nhận định rằng việc ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.
Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.
Theo đó, cần tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.
Một trong những giải pháp được đề ra, tại tiểu mục a Mục 3 Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni-lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi ni-lông.
Như vậy, trong tương lai đối tượng chịu thuế sẽ được nghiên cứu mở rộng đối với các loại vật liệu nhựa khác nhằm hạn chế việc sử dụng các loại hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường.
Hộp xốp dùng một lần gây hại cho môi trường sẽ bị cấm sản xuất từ năm 2031?
Căn cứ Điều 64 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có nội dung như sau:
Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa
1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định này.
3. Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Sau ngày 31 tháng 12 năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.
Như vậy, hộp xốp và sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ không còn được sử dụng trên toàn cả nước sau năm 2030 (trừ một số sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hà Nội dành hơn 567 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
- Thỏa thuận trọng tài được lập trước hay sau khi xảy ra tranh chấp? Thỏa thuận trọng tài qua email có hiệu lực hay không?
- Ngày 10 tháng 12 là ngày gì? Ngày 10 tháng 12 năm nay là ngày bao nhiêu âm lịch? Có phải là ngày nghỉ lễ của người lao động?
- Chậm thực hiện nghĩa vụ là gì? Lãi suất phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được xác định như thế nào?
- Mẫu phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng từ 1/1/2025 theo Thông tư 52/2024?