Hướng dẫn 16-HD/BTCTW năm 2022: Hướng dẫn những nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ?
- Ra soát, đánh giá nguồn cán bộ và cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch như thế nào?
- Thực hiện phương châm quy hoạch “động” và “mở” như thế nào?
- Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cán bộ thuộc về ai?
- Thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch cán bộ kéo dài trong bao lâu?
- Chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm?
Ra soát, đánh giá nguồn cán bộ và cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 2 Mục I Hướng dẫn 16-HD/BTCTW năm 2022 quy định việc rà soát, đánh giá nguồn cán bộ và cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch như sau:
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải tiến hành rà soát, đánh giá nguồn cán bộ và cán bộ theo yêu cầu sau:
- Về rà soát, đánh giá nguồn cán bộ: Trên cơ sở tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trong nhiệm kỳ và định hướng nhiệm kỳ tiếp theo; chỉ đạo rà soát, đánh giá nguồn cán bộ đương nhiệm theo cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện để chuẩn bị nguồn nhân sự trước khi tiến hành công tác quy hoạch cán bộ.
- Đánh giá cán bộ theo các tiêu chí sau:
+ Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật và việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
+ Năng lực công tác: Kết quả, hiệu quả công việc; mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
+ Uy tín: Kết quả đánh giá cán bộ hằng năm của cấp có thẩm quyền và kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định (nếu có).
+ Chiều hướng, triển vọng phát triển: Khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức danh quy hoạch.
Thực hiện phương châm quy hoạch “động” và “mở” như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 3 Mục I Hướng dẫn 16-HD/BTCTW năm 2022 quy định phương châm quy hoạch “động” và “mở” như sau:
- Quy hoạch “động” là định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc uy tín thấp và kịp thời bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, triển vọng phát triển.
- Quy hoạch “mở” được hiểu là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà cần mở rộng nguồn cán bộ từ nơi khác để đưa vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào một chức danh lãnh đạo, quản lý. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng.
- Coi trọng chất lượng, không vì số lượng, cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có biện pháp hiệu quả để phấn đấu thực hiện cơ cấu ba độ tuổi (khoảng cách giữa các độ tuổi là 5 năm), tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Công tác quy hoạch cán bộ năm 2022: Thực hiện phương châm quy hoạch “động” và “mở”, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công bằng, công tâm, công khai?
Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cán bộ thuộc về ai?
Căn cứ tiểu mục 1 Mục II Hướng dẫn 16-HD/BTCTW năm 2022 quy định thẩm quyền như sau:
- Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ trường hợp nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng) và các chức danh lãnh đạo, quản lý phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương theo quy định hiện hành của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (không bao gồm chức danh ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương).
- Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của mình theo quy định hiện hành của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch cán bộ kéo dài trong bao lâu?
Căn cứ tiểu mục 2 Mục II Hướng dẫn 16-HD/BTCTW năm 2022 quy định thời gian như sau:
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ trình, hồ sơ nhân sự cấp có thẩm quyền phải xem xét, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền có thể kéo dài thời gian nhưng không được quá 15 ngày làm việc.
Chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm?
Căn cứ tiểu mục 3 Mục II Hướng dẫn 16-HD/BTCTW năm 2022 quy định ví dụ về quy hoạch chức danh cao hơn như sau như sau:
- Đồng chí Nguyễn Văn A hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, khi quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ không giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn A vào quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nếu đồng chí có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thì giới thiệu vào danh sách quy hoạch chức danh Phó Bí thư hoặc Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025-2030.
- Đồng chí Nguyễn Văn B hiện là Thứ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026, khi quy hoạch nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ không giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn B vào quy hoạch chức danh Thứ trưởng; nếu đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thì giới thiệu vào quy hoạch chức danh Bộ trưởng nhiệm kỳ 2026-2031 hoặc chức danh khác cao hơn chức danh đang đảm nhiệm.
Trên đây là một số vấn đề cần quan tâm trong việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ năm 2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi xảy ra sự kiện gì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường? Nội dung công bố thông tin định kỳ là gì?
- 15 thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân theo Nghị định 154/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Lời chúc ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam 6 12 2024? Lời chúc kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam?
- Khẩu hiệu Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam 2024 ý nghĩa? Khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam 2024?
- 04 báo cáo lao động doanh nghiệp phải nộp trước khi kết thúc năm? Mẫu báo cáo lao động mới nhất?