Hướng dẫn cách dùng ứng dụng VneID thay thế Sổ hộ khẩu? Một số lưu ý khi cài đặt tài khoản định danh điện tử để không lộ thông tin?
Khi nào sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng?
Căn cứ khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:
Điều khoản thi hành
...
3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Như vậy, bắt đầu từ 01/01/2023, Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử.
Hướng dẫn cách dùng ứng dụng VneID thay thế Sổ hộ khẩu? Một số lưu ý khi cài đặt tài khoản định danh điện tử để không lộ thông tin? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn cách dùng ứng dụng VneID thay thế Sổ hộ khẩu đơn giản?
Để dùng ứng dụng VneID thay thế Sổ hộ khẩu, công dân phải thực hiện các bước sau:
Bước 1: Cài đặt ứng dụng VNeID, đến cơ quan công an đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2.
Bước 2: Kích hoạt tài khoản định danh trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký tài khoản thành công theo các bước trong ứng dụng VNeID.
Bước 3: Đăng nhập một lần trên Cổng dịch vụ công quốc gia với tên tài khoản là số định danh cá nhân và mật khẩu.
Tùy từng dịch vụ công trực tuyến, thông tin của công dân sẽ được điền vào biểu mẫu điện tử (Form) có sẵn. Người dân không phải điền, cũng như không sửa được thông tin trên form có sẵn đó.
Các thông tin đó sẽ bao gồm:
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Quê quán;
- Dân tộc;
- Nơi thường trú;
- Họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng;
- Số chứng minh đã được cấp;
- Số thẻ CCCD, chính là số định danh cá nhân…
Đối với ứng dụng VneID, công dân sử dụng tài khoản, mật khẩu đăng nhập ứng dụng trên thiết bị di động và có thể sử dụng các thông tin CCCD, thông tin dân cư được tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID để giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự.
Thông tin hiển thị trên VNeID gồm:
- Số CCCD;
- Họ và tên;
- Ngày sinh;
- Giới tính;
- Quốc tịch;
- Quê quán;
- Nơi thường trú;
- CCCD có giá trị đến…;
- Đặc điểm nhận dạng;
- Ngày cấp;
- Số điện thoại.
Ngoài ra, công dân có thể sử dụng để thay thế sổ hộ khẩu là tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn
Bước 2: Đăng nhập tài khoản/mật khẩu truy cập (sử dụng tài khoản Cổng DVC quốc gia), xác thực bằng cách nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại.
Bước 3: Truy cập chức năng “Thông tin công dân” rồi nhập các thông tin theo yêu cầu: Họ tên, số định danh cá nhân, ngày sinh, số điện thoại, mã xác nhận. Sau đó, nhấn Tìm kiếm.
Màn hình sẽ hiển thị thông tin cơ bản của công dân gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Nơi thường trú. Thông tin gia đình, thông tin chủ hộ.
Một số lưu ý khi cài đặt tài khoản định danh điện tử để không lộ thông tin?
Hiện nay, tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ được thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm nên không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm.
Ngoài ra, một số điện thoại duy nhất chỉ được đăng ký định danh điện tử cho một cá nhân theo số CCCD.
Khi sử dụng các dịch vụ trong ứng dụng, công dân sẽ phải thực hiện xác thực bổ sung bằng vân tay, ảnh mặt và mã passcode (chỉ công dân mới biết).
Mật khẩu của tài khoản của công dân được yêu cầu đặt có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt (độ dài tối thiểu 8 ký tự); được yêu cầu thay đổi định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần).
Nếu mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân có thể thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong hai cách:
- Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin Định danh điện tử Quốc gia.
- Liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.
Các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VneID của công dân nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, Bộ công an khuyến cáo công dân không cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị của mình đang sử dụng ứng dụng định danh điện tử.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có gì khác không?
- Thời hạn cho vay nội bộ trong hợp tác xã là bao lâu? Quy định về cho vay nội bộ trong Điều lệ hợp tác xã gồm nội dung gì?
- Cách viết ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị? Thời gian làm Đảng viên dự bị là bao lâu?
- Mẫu báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền?
- Mẫu Bản khai đăng ký tên định danh dùng trong quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại là mẫu nào? Tên định danh có bao nhiêu ký tự?