Khi nào phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT thông báo hóa đơn sai sót lên cơ quan thuế? Xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót như thế nào?
Mẫu 04/SS-HĐĐT là mẫu gì?
Căn cứ tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Mẫu 04/SS-HĐĐT là mẫu thông báo hóa đơn sai sót được quy định tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Mẫu 04/SS-HĐĐT có dạng như sau:
Tải mẫu 04/SS-HĐĐT tại đây: tải
Lưu ý: Khi điền mẫu 04/SS-HĐĐT, mã CQT cấp thì mã cơ quan thuế cấp đối với hóa đơn có mã của cơ quan thuế, hóa đơn không có mã của cơ quan thuế thì để trống.
Xem thêm:
>>> Hủy nhầm hóa đơn điện tử và đã gửi mẫu 04/SS thì xử lý như thế nào?
>>> Thời hạn nộp mẫu 04/SS-HĐĐT
Khi nào phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT thông báo hóa đơn sai sót lên cơ quan thuế? Xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót như thế nào?
Khi nào phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT thông báo hóa đơn sai sót lên cơ quan thuế?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có nội dung như sau:
Xử lý hóa đơn có sai sót
1. Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.
2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:
a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.
b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).
c) Đối với ngành hàng không thì hóa đơn đổi, hoàn chứng từ vận chuyển hàng không được coi là hóa đơn điều chỉnh mà không cần có thông tin “Điều chỉnh tăng/giảm cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... ngày... tháng... năm”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không được phép xuất hóa đơn của mình cho các trường hợp hoàn, đổi chứng từ vận chuyển do đại lý xuất.
...
Như vậy, theo quy định trên thì doanh nghiệp được lựa chọn việc hủy hóa đơn sai sót và lập hóa đơn mới hoặc lập hóa đơn thay thế.
Nếu doanh nghiệp chọn việc hủy hóa đơn sai sót thì phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới cơ quan thuế và lập hóa đơn mới.
Nếu doanh nghiệp chọn việc lập hóa đơn thay thế thì không phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử sai sót như thế nào?
Tại Công văn 1647/TCT-CS năm 2023, Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử như sau:
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, điểm c, e khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC.
Căn cứ các quy định trên, tại Quyết định 1450/QĐ-TCT năm 2021 và Quyết định 1510/QĐ-TCT năm 2022 của Tổng cục Thuế đã quy định các thành phần dữ liệu hóa đơn điện tử đáp ứng, theo đó:
(1) Trong trường hợp người bán lựa chọn hình thức xử lý hoá đơn đã lập bằng cách lập hóa đơn điều chỉnh thì người bán thực hiện điều chỉnh giảm toàn bộ thông tin dòng hàng hoá bị sai và điều chỉnh tăng tương ứng dòng hàng hoá đúng (bao gồm: tên hàng hóa dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thuế suất, thành tiền chưa thué).
(2) Trong trường hợp người bán lựa chọn hình thức xử lý hoá đơn đã lập bằng cách lập hóa đơn thay thế thì người bán lập lại hoá đơn mới với số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn và đầy đủ toàn bộ nội dung của hóa đơn cần thay thế.
Đối với cả 2 trường hợp nêu trên, hoá đơn điều chỉnh hoặc thay thế đều cần ghi thông tin: “Điều chỉnh/thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng.... năm...” và trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.
(3) Trường hợp doanh nghiệp lập hóa đơn điện tử bị sai (gọi là hóa đơn F0), sau đó doanh nghiệp lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế (gọi là hóa đơn F1 điều chỉnh/thay thế cho hóa đơn FO) và phát hiện hóa đơn F1 vẫn bị sai thì:
- Nếu lựa chọn phương pháp điều chỉnh: Doanh nghiệp lập hóa đơn F2 điều chỉnh cho hóa đơn F0 (lúc này hóa đơn F0 đã bị điều chỉnh bởi hóa đơn F1).
- Nếu lựa chọn phương pháp thay thế: Doanh nghiệp lập hóa đơn F2 thay thế cho hóa đơn F1 (lúc này hóa đơn FO đã bị thay thế bởi hóa đơn F1).
(4) Đối với hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính có sai sót, doanh nghiệp lập hóa đơn thay thế theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC thì thống nhất ý kiến của Cục thuế về việc doanh nghiệp không phải hủy hóa đơn đã lập theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn vì từ ngày 1/7/2022, Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Thông tư 39/2014/TT-BTC, các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-BTC đã hết hiệu lực thi hành.
Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
>>> Cách kiểm tra hóa đơn hủy, thay thế, điều chỉnh đã nộp theo mẫu 04/SS-HĐĐT hay chưa
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?