Khung năng lực tiếng Việt là gì và dùng để làm gì? Khung năng lực tiếng Việt hiện nay có mấy bậc?
Khung năng lực tiếng Việt dùng để làm gì?
Khung năng lực tiếng Việt chưa được định nghĩa rõ ràng trong quy định của pháp luật, tuy nhiên có thể hiểu đây là một khung tham chiếu trình độ tiếng Việt dành cho người nước ngoài.
Căn cứ Mục I Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 17/2015/TT-BGDĐT, quy định về mục đích của Khung năng lực tiếng Việt như sau:
I. Mục đích
Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (sau đây gọi là Khung năng lực tiếng Việt, viết tắt: KNLTV) được dùng để:
1. Làm căn cứ thống nhất đánh giá năng lực tiếng Việt của người nước ngoài.
2. Làm căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy; biên soạn hoặc lựa chọn học liệu; xây dựng tiêu chí kiểm tra, đánh giá ở từng cấp học và trình độ đào tạo.
3. Làm căn cứ cho giáo viên, giảng viên lựa chọn và triển khai nội dung, cách thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm hỗ trợ người học đạt được các yêu cầu của chương trình đào tạo.
4. Giúp người học hiểu được nội dung, yêu cầu đối với từng trình độ năng lực tiếng Việt và tự đánh giá năng lực của mình.
5. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia sử dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (sau đây gọi là Khung tham chiếu chung Châu Âu, viết tắt: CEFR).
Khung năng lực tiếng Việt là gì và dùng để làm gì? Khung năng lực tiếng Việt hiện nay có mấy bậc? (Hình từ Internet)
Khung năng lực tiếng Việt hiện nay có mấy bậc?
Căn cứ Mục 3 Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 17/2015/TT-BGDĐT có quy định Khung năng lực tiếng Việt hiện nay có 6 bậc tương ứng với các trình độ sau:
- Bậc 1: Hiểu, sử dụng được các cấu trúc ngôn ngữ quen thuộc; biết sử dụng các từ ngữ cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao tiếp cụ thể: tự giới thiệu bản thân và người khác; trình bày được những thông tin về bản thân như: nơi sinh sống, người thân/bạn bè và những người khác. Có khả năng giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.
- Bậc 2: Hiểu các câu và cấu trúc ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên, liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản như: thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm. Có khả năng trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày, mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.
- Bậc 3: Hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về những chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí. Có khả năng xử lý được hầu hết các tình huống xảy ra khi đến nơi có sử dụng tiếng Việt; viết được đoạn văn đơn giản liên quan đến những chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân mình quan tâm; mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, mong muốn, và trình bày ngắn gọn được lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.
- Bậc 4: Hiểu được ý chính của một văn bản tương đối phức tạp về các chủ đề khác nhau, kể cả những trao đổi có nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có khả năng giao tiếp trôi chảy, tự nhiên với người Việt; viết được những văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và nêu được quan điểm của mình về một vấn đề, chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
- Bậc 5: Nhận biết và hiểu được hàm ý của những văn bản dài, có phạm vi nội dung rộng. Có khả năng diễn đạt trôi chảy, tức thì, không khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt; sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích quan hệ xã hội, mục đích học thuật và chuyên môn; viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết trong văn bản.
- Bậc 6: Dễ dàng hiểu hầu hết các văn bản nói và viết. Có khả năng tóm tắt được các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại và trình bày lại một cách logic; diễn đạt rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được những khác biệt tinh tế về ý nghĩa trong các tình huống phức tạp.
Đối tượng dự thi và đăng ký dự thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực?
Căn cứ Điều 8 Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT quy định về đối tượng dự thi đánh giá năng lực tiếng Việt như sau:
- Đối tượng dự thi là các cá nhân có nhu cầu được đánh giá năng lực tiếng Việt và cấp chứng chỉ tiếng Việt thỏa mãn điều kiện
+ Có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ; đóng đầy đủ lệ phí thi, lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định;
+ Không thuộc thời gian cấm thi trong các trường hợp sau: Cấm tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt trên toàn quốc trong 02 năm tiếp theo đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau: Để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung người tổ chức thi hoặc thí sinh khác (điểm g khoản 2 Điều 29 Quy chế hi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT)
- Về việc đăng ký dự thi:
+ Hồ sơ đăng ký dự thi gồm: 02 ảnh cỡ 4x6 (cm) được chụp không quá 06 tháng trước ngày đăng ký dự thi, mặt sau của ảnh ghi rõ họ và tên, ngày sinh; bản sao hộ chiếu còn hiệu lực; phiếu đăng ký dự thi (gồm thông tin về họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, số và ngày cấp hộ chiếu, thời gian, địa điểm đăng ký dự thi và các thông tin cần thiết khác);
+ Việc đăng ký dự thi thực hiện theo một trong những cách sau: Cá nhân trực tiếp đến đăng ký tại đơn vị tổ chức thi hoặc đăng ký trực tuyến qua trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi; cá nhân thông qua tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục nơi đang công tác, học tập đăng ký dự thi với đơn vị tổ chức thi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mục đích nguồn lực tài chính từ tài sản công? Hình thức giám sát của cộng đồng đối với tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công?
- Đất rừng đặc dụng là gì? Tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất rừng đặc dụng được xác định như thế nào?
- Mẫu Báo cáo tổng kết công tác mặt trận thôn, bản, khu phố? Hướng dẫn lập Báo cáo tổng kết công tác mặt trận?
- Báo cáo thành tích tập thể Ban công tác Mặt trận thôn? Tải về mẫu báo cáo thành tích tập thể Ban công tác Mặt trận?
- Thẩm quyền giám sát việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương? Nguyên tắc hoán đổi trái phiếu?