Lỗi thô bạo khi thi đấu bóng đá có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Hành vi bạo lực trên sân đấu bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Có hành vi phạm lỗi thô bạo trong trận đấu bóng đá cầu thủ bị cấm thi đấu bao lâu?
Căn cứ quy định tại Điều 39 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 22/QĐ-LĐBĐVN năm 2021:
Hành vi xâm phạm thân thể
1. Người nào có hành vi nhằm sử dụng vũ lực, phạm lỗi nghiêm trọng hoặc cố tình xâm phạm thân thể người khác thì bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ từ 02 trận đến 05 trận.
2. Bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ từ 05 trận đến 08 trận trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm nhiều lần đối với 01 người hoặc đối với nhiều người;
b) Vi phạm đối với quan chức, quan chức trận đấu;
c) Gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, thân thể người khác.
3. Xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt từ 40.000.000 đồng và bị đình chỉ tham gia hoạt động bóng đá đến 24 tháng hoặc bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc không có thời hạn.
4. Người vi phạm phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra, mức chi phí được quy định cụ thể như sau:
a) Không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB, đội bóng chủ quản tại thời điểm vi phạm;
b) Không vượt quá 50.000.000 đồng đối với trường hợp người vi phạm là cầu thủ đào tạo, tập nghề. Trong trường hợp này, chi phí sẽ do CLB/ đội bóng đang sử dụng, quản lý cầu thủ tại thời điểm vi phạm chi trả. Việc bồi hoàn của cầu thủ đối với CLB/ đội bóng do hai bên thỏa thuận.
5. Những vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này sẽ được xem xét, kết hợp với điểm b khoản 7 Điều 2 của văn bản này.
Như vậy, tùy vào mức độ nghiêm trọng đối với hành vi thô bạo của cầu thủ mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ ra quyết định xử lý kỷ luật cầu thủ. Trong đó, về thời gian cấm thi đấu, cầu thủ có hành vi thô bạo xâm phạm thân thể người khác đặc biệt nghiêm trọng có thể bị cấm thi đấu đến 24 tháng hoặc bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc không có thời hạn.
Lỗi thô bạo khi thi đấu bóng đá có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Hành vi bạo lực trên sân đấu bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Hành vi phạm lỗi thô bạo trong trận đấu bóng đá bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Ngoài quy định về mức xử lý kỷ luật nêu trên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, cầu thủ có hành vi chơi bóng thô bạo còn có thể bị xử phạt hành chính như sau, căn cứ Điều 9 Nghị định 46/2019/NĐ-CP.
Vi phạm quy định về cấm bạo lực trong hoạt động thể thao
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, cầu thủ có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng cho hành vi chơi thô bạo, xâm phạm sức khỏe, thân thể người khác.
Hành vi phạm lỗi thô bạo trong trận đấu bóng đá có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ quy định tại Điều 77 Luật Thể dục, Thể thao 2006 có quy định:
Xử lý vi phạm
1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về thể dục, thể thao thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
Như vậy, hành vi thô bạo trên sân trong trận đấu ngoài bị xử lý kỷ luật và xử phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các cấu thành của hành vi phạm tội.
Theo đó, tùy vào hành vi, mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi cũng như các cấu thành tội phạm khác. Hành vi phạm lỗi thô bạo trong trận đấu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh sau:
+ Tội cố ý gây thương tích - Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017);
+ Tội vô ý gây thương tích - Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 (khoản 2, 3 được bổ sung bởi điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017);
+ Tội vô ý làm chết người - Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trái phiếu chính quyền địa phương có mệnh giá bao nhiêu? Lãi suất mua lại trái phiếu chính quyền địa phương do cơ quan nào quyết định?
- Ngày 6 tháng 12 là ngày gì? Ngày 6 tháng 12 là ngày mấy âm lịch? Ngày 6 tháng 12 là thứ mấy?
- Mẫu số 02 TNĐB Biên bản vụ việc khi giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông ra sao?
- Thời hạn lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí? Nhà thầu phải đóng góp bổ sung quỹ khi nào?
- Mẫu Đề án nhân sự chi ủy tại đại hội chi bộ mới nhất như thế nào? Tải mẫu? Đại hội chi bộ do ai triệu tập?