Mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự mới nhất là mẫu nào? Cách điền mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự chính xác?
- Mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự mới nhất là mẫu nào?
- Cách điền mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự chính xác?
- Những ai phải tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự?
- Phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự được tiến hành theo trình tự như thế nào?
Mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự mới nhất là mẫu nào?
Mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự là Mẫu số 25-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP. Dưới đây là hình ảnh Mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự:
Tải Mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự: tại đây.
Mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự mới nhất là mẫu nào? Cách điền mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự chính xác? (Hình từ Internet)
Cách điền mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự chính xác?
Căn cứ tại Mẫu số 25-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn điền mẫu Biên bản phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự như sau:
- (1) Ghi tên Tòa án mở phiên họp phúc thẩm; nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ); nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ Tòa án nhân dân cấp cao tại đâu (ví dụ: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội).
- (2) Ghi số, ký hiệu, ngày tháng năm thụ lý việc dân sự và loại việc dân sự mà Tòa án thụ lý giải quyết.
- (3) Ghi họ tên, chức danh của Thư ký phiên họp.
- (4) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi rõ họ tên và địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó; nếu là người chưa thành niên thì sau họ tên cần ghi thêm ngày, tháng, năm sinh; nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và địa chỉ của cơ quan, tổ chức đó.
- (5) Chỉ ghi khi có người đại diện hợp pháp của người yêu cầu. Ghi họ tên và địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó; ghi rõ là người đại diện theo pháp luật hay là người đại diện theo ủy quyền của người yêu cầu; nếu là người đại diện theo pháp luật thì cần ghi chú trong ngoặc đơn quan hệ giữa người đó với người yêu cầu; nếu là người đại diện theo ủy quyền thì cần ghi chú trong ngoặc đơn: “văn bản ủy quyền ngày... tháng... năm...”.
Ví dụ 1 : Ông Nguyễn Văn A, địa chỉ... là người đại diện theo pháp luật của người yêu cầu (Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi).
Ví dụ 2: Bà Lê Thị B, địa chỉ... là người đại diện theo ủy quyền của người yêu cầu (Văn bản ủy quyền ngày... tháng... năm...).
- (6) Chỉ ghi khi có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu. Ghi họ tên và địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó (nếu là Luật sư thì ghi là Luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào); nếu có nhiều người yêu cầu thì ghi cụ thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người yêu cầu nào.
- (7) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).
- (8) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (5).
- (9) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (6).
- (10) Ghi họ tên và địa chỉ của người làm chứng (nếu có).
- (11) Ghi họ tên và địa chỉ nơi làm việc của người phiên dịch (nếu có). Nếu không có nơi làm việc thì ghi địa chỉ nơi cư trú.
- (12) Ghi họ tên và địa chỉ nơi làm việc của người giám định (nếu có). Nếu không có nơi làm việc thì ghi địa chỉ nơi cư trú.
- (13) Cần ghi rõ trường hợp khi có người tham gia vắng mặt tại phiên họp (mà không thuộc trường hợp phải hoãn phiên họp) thì Chủ toạ phiên họp phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên họp hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận, nếu không chấp nhận thì nêu rõ lý do và ghi quyết định của Hội đồng xét xử.
- (14) Ghi các câu hỏi và trả lời của những người tham gia phiên họp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia phiên họp hoặc những người đại diện hợp pháp của họ.
- (15) Ghi những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Kiểm sát viên, những người tham gia sau khi kết thúc phiên họp; nếu có nhiều người yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì ghi thứ tự từng người. Người có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải ký xác nhận.
Những ai phải tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự?
Căn cứ tại Điều 374 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định những đối tượng sau đây phải tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự, cụ thể:
- Thứ nhất, kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm.
- Thứ hai, người có đơn kháng cáo, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.
+ Người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án hoãn phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự, trừ trường hợp người kháng cáo yêu cầu giải quyết vắng mặt họ.
+ Nếu người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ kháng cáo và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết phúc thẩm việc dân sự đối với yêu cầu kháng cáo của họ, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.
- Ngoài ra còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.
Phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự được tiến hành theo trình tự như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 375 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự được tiến hành theo trình tự như sau:
Bước 1: Thư ký phiên họp báo cáo về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp.
Bước 2: Thẩm phán chủ tọa phiên họp khai mạc phiên họp, kiểm tra về sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập tham gia phiên họp và căn cước của họ, giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp;
Bước 3: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo, người kháng cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày về nội dung kháng cáo và căn cứ của việc kháng cáo;
- Trường hợp chỉ có Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị.
- Trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị thì các đương sự trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo trước, sau đó Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị.
- Trường hợp Viện kiểm sát không kháng nghị thì Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo trước khi Hội đồng phúc thẩm ra quyết định.
Lưu ý: Ngay sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự.
Bước 4: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Bước 5: Người làm chứng trình bày ý kiến; người giám định trình bày kết luận giám định, giải thích những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?